13:37, 22/12/2023

Hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”

N.T

Sáng 22-12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị; cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tham dự hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Nguồn: baochinhphu.vn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới; nghe tham luận của đại diện các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân tham dự hội nghị từ điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau hội nghị, tinh thần là sau hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Thủ tướng cũng cho biết, công nghiệp văn hóa là ngành mới, nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng với 2 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và XIII; 2 Nghị quyết chuyên đề của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Việc phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Để phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Phát triển công nghiệp văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao; công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế; các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm... Thủ tướng cũng chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan nhằm phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, cần tính toán dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20 đến 30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

N.T