17:21, 25/12/2023

Bộ Tư pháp triển khai công tác tư pháp năm 2024

N.V

Chiều 25-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Tại điểm cầu Khánh Hòa, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ông: Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.

Năm 2024, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội; nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành; nâng cao chất lượng thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ngành cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Hội nghị được tổ chức trực tuyến.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu địa phương.

Năm 2023, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành và ban hành 515 văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương ban hành hơn 8.000 văn bản quy phạm pháp luật. Toàn ngành cấp hơn 1,1 triệu phiếu lý lịch tư pháp; tiếp nhận hơn 38.000 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có hơn 25.500 vụ việc tham gia tố tụng. Toàn quốc tổ chức hơn 436.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32 triệu lượt người; gần 11.000 cuộc thi cho hơn 11 triệu lượt người. Đến nay, đã có 54/63 địa phương thực hiện số hóa sổ hộ tịch với hơn 43,7 triệu dữ liệu được số hóa. 58 dịch vụ công của bộ đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tại Khánh Hòa, việc thẩm định văn bản ngày càng chú trọng tính khả thi, hợp lý. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản được tiến hành thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyển biến tích cực. Công tác trợ giúp pháp lý tập trung hơn vào thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Các công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính; hành chính tư pháp; quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp được quan tâm…

N.V