Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Chỉ thị số 23 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Chỉ thị số 23 được ban hành thay thế cho Chỉ thị số 10 ngày 18-12-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.
Một khu vực khai thác khoáng sản ở huyện Diên Khánh. |
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:
Tiếp tục phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, nhất là Nghị quyết số 10 ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 36 ngày 13-7-2022 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị.
Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong công tác quản lý các hoạt động khoáng sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khoáng sản tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan, đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng hạ tầng cho các công trình, dự án và nhu cầu của Nhân dân, theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương; ưu tiên cho việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ làm công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản. Phát huy tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, cần sâu sát cơ sở, nắm chắc địa bàn quản lý, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó, xem xét điều chuyển hoặc xử lý kỷ luật theo đúng quy định đối với những cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn mình quản lý hoặc không kiên quyết trong xử lý các sai phạm về khoáng sản.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực khoáng sản, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định và các văn bản có liên quan thuộc thẩm quyền của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Trung ương, thực tiễn địa phương, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Sớm tổ chức triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bắt đầu từ quý I năm 2024, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát, tăng nguồn thu ngân sách tỉnh.
Ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý, kinh doanh các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước; phân công nhiệm vụ, phân định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa các sở, ban, ngành, địa phương; vai trò giám sát của xã hội, báo chí đối với doanh nghiệp; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản; thực hiện ngay việc lắp camera giám sát, lắp trạm cân, thiết bị truyền dẫn dữ liệu... tại các mỏ, điểm mỏ khai thác khoáng sản, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ban pháp chế HĐND tỉnh giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá huyện Diên Khánh. |
Kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong việc cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khai thác khi chưa đủ điều kiện; khai thác vượt công suất, ra ngoài ranh giới cấp phép; hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu khoáng sản trái phép và hoạt động mua bán khoáng sản, vật liệu không có nguồn gốc và các hoạt động khác nhằm mục đích hợp thức hóa nguồn khoáng sản trái phép. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí; mua bán hóa đơn trái phép; kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực theo quy định; rà soát, khắc phục dứt điểm các sai phạm đã được kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin