22:26, 15/11/2023

Thực hiện các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Đ. LÂM

Sáng 15-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (vượt kế hoạch của cả năm 2023); khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582.600 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, 10 tháng qua, tổng lượt khách lưu trú đạt 6,2 triệu lượt (tăng 175% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách quốc tế gần 1,7 triệu lượt (gấp 8,9 lần); khách nội địa đạt hơn 4,5 triệu lượt (tăng 118,9%). Doanh thu du lịch đạt gần 29.900 tỷ đồng (tăng 152,7%)…

Quang cảnh tại điểm cầu Khánh Hòa

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hướng thông thoáng về thể chế, giao thông thông suốt, sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, điểm đến an toàn - thân thiện - văn minh. Đặc biệt, hình thành và phát triển sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế nổi trội về thiên nhiên, con người của từng vùng; phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch, nhất là thu hút du khách tìm hiểu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, những công trình kiến trúc, nghệ thuật. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch có tính kết nối chặt chẽ, vừa giúp tối ưu chi phí, đa dạng hệ sinh thái chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế vừa mang lại cho du khách những trải nghiệm chất lượng; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch, đặc biệt là chính sách miễn thị thực ngắn hạn, miễn thị thực đơn phương; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch…

Đ. LÂM