Tại phiên thảo luận chiều 24-11 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự thống nhất với việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bởi lý do rằng trong thời gian qua, trật tự an toàn giao thông đất nước ta diễn biến khá phức tạp: kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn rất kém; vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phổ biến, ngang nhiên, phức tạp; giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội. Nhiều vấn đề phát sinh mới trong hoạt động vận tải đường bộ hiện nay cũng chưa được luật hóa để bảo đảm kỷ cương pháp luật trong hoạt động vận tải và công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định cụ thể, sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác và chưa quy định đầy đủ, cụ thể về biện pháp duy trì trật tự, an toàn giao thông như: tổ chức giao thông an toàn, phòng chống ùn tắc giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra kiểm soát....là nguyên nhân tạo nên môi trường giao thông hỗn loạn như hiện nay, nhất là ở các đô thị. Mặt khác, nhiều yếu tố khác về giao thông đường bộ cần phải quy định đầy đủ, cụ thể tạo hành lang pháp lý quan trọng về đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ...Do vậy, việc tách xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ riêng biệt là cần thiết.
Dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 6 đã tiếp thu, điều chỉnh nhiều điều khoản theo góp ý của Đại biểu Quốc hội; phân định tương đối rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh giữa dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, giao thông đường bộ; đồng thời, bổ sung một số quy định mới, tạo hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay về trật tư, an toàn giao thông và về xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy nhiên, Đại biểu cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát để loại trừ các vấn đề còn chưa được tách bạch giữa hai Luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí phát biểu tại Hội trường. |
Về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như sau, Đại biểu Lê Hữu Trí nêu quan điểm:
Thứ nhất về các hành vi bị nghiêm cấm: Việc nghiêm cấm tuyệt đối người "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Đại biểu đồng ý với giải trình của Chính phủ với quan điểm quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông nghiêm trọng và trên thực tế, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn thì có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và hạn chế các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia...Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này cũng có mặt nào đó chưa phù hợp (dưới góc độ của văn hoá, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, góc độ sinh học và về góc độ người kiểm soát giao thông, người bị kiểm soát giao thông tranh chấp với nhau có hay không có uống rượu bia trước khi lái xe). Vì vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở phải bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các hành vi: bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông vào các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, nhằm xây dựng các quy tắc ứng xử có văn hóa, văn minh, lịch sự và ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông và các đối tượng có liên quan khi xảy ra tình huống tai nạn giao thông.
Thứ hai về quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện "có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định", Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình phù hợp với các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, bảo đảm quyền riêng tư cá nhân và tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.
Thứ ba về đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật: Đại biểu thống nhất với giải trình của Chính phủ, quy định này nên giao thẩm quyền cho Chính phủ nhằm bảo đảm tính linh hoạt và tính cụ thể khi mà cần thiết phải thay đổi hệ thống giấy phép lái xe cho phù hợp với yêu cầu quản lý các loại phương tiện giao thông mới phát sinh trong thực tiễn...mà không phải chờ sửa đổi Luật.
Và cuối cùng về các quy định tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông như: (1) Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (2) quy định việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu an toàn khi tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông đường bộ...Đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật có quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát để bảo đảm phải tuân thủ; việc xử lý các trường hợp thực hiện không đúng hoặc vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì tùy theo tính chất hành vi vi phạm, hậu quả sẽ bị xử lý hành chính, hình sự, đền bù dân sự, xử lý kỷ luật hành chính theo các quy định của các Luật liên quan. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có những quy định tăng khả năng phòng vệ chính đáng để bảo đảm tính mạng, hình ảnh cho các lực lượng kiểm soát giao thông nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng. Hiện nay, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể về "phòng vệ chính đáng" cho người đang thi hành công vụ áp dụng trong các tình huống cụ thể và Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp xảy ra các trường hợp có thái độ, hành vi thóa mạ, tấn công Cảnh sát giao thông khi đang thi hành công vụ gây phản cảm, làm giảm uy lực, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, phòng ngừa. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; trong đó, khai thác sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, tại các khu đô thị và tuyến quốc lộ trọng điểm; tiếp tục hiện đại hoá phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Lê Xuân Thân tán thành với tờ trình và báo cáo thẩm tra; ghi nhận dự thảo Luật lần này có chỉnh sửa lớn cho thấy cố gắng nỗ lực của Ban soạn thảo. Đại biểu cho rằng các đại biểu lo ngại nhất là trùng lắp về đối tượng, phạm vi điều chỉnh giữa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Tuy nhiên, qua rà soát tại Điều 1 của dự thảo Luật này cho thấy không trùng lắp nhưng sự liên kết liên thông giữa 2 luật chưa đạt.
Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu góp ý dự thảo Luật. |
Đại biểu Lê Xuân Thân cũng cho biết giữ quan điểm đề nghị 2 Ban soạn thảo phối hợp để chuyển tải quy định về hoạt động vận tải đường bộ ở Chương 4 của Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này thì mới phù hợp.
Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng quy định về người đi bộ trong dự thảo luật còn ít, đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về người đi bộ tham gia giao thông. Đồng thời đề nghị giảm bớt quy định giao Chính phủ hướng dẫn, mà nội dung nào đã rõ thì quy định ngay trong luật.
VŨ NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin