Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 29-11. Để cử tri và nhân dân Khánh Hòa có thêm thông tin về kỳ họp này, Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh |
- Xin ông cho biết những nội dung lớn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
- Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Theo đó, Kỳ họp thứ 6 sẽ có 29 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23-10 đến 10-11; đợt 2 từ ngày 20 đến 29-11). Kỳ họp lần này với khối lượng công việc rất lớn, Quốc hội sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, về công tác xây dựng luật và nghị quyết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ xem xét, ban hành các nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đối với các đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026). Đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: Kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Về công tác giám sát, chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6; xem xét Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” .
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự chú ý, quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri và nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài.
- Được biết kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, xin ông cho biết về nội dung này?
- Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc cũng rất nặng nề, đặc biệt là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo dự kiến chương trình thì cuối giờ chiều 24-10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó thảo luận ở đoàn; sáng 25-10, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
- Xin ông cho biết kỳ họp này có các nội dung nào liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa?
- Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, trong đó có một số báo cáo có liên quan đến tỉnh Khánh Hòa, như: Tình hình triển khai Nghị quyết số 92/2023/QH15 ngày 20-6-2023 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; tình hình thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15; tình hình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 theo Nghị quyết số 58/2022/QH15. Sau khi nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu và tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường.
- Xin cảm ơn ông!
VŨ NGUYÊN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin