Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị quyết tâm nâng cao tỷ lệ giải quyết án hành chính.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các huyện, thị, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên quán triệt chấp hành Luật Tố tụng hành chính; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, xác định việc thực hiện các yêu cầu của tòa án nhân dân (TAND) trong quá trình giải quyết án hành chính là trách nhiệm thực thi công vụ; bảo đảm tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo đúng Nghị quyết số 27, ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là về đất đai, trật tự xây dựng, quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, người khởi kiện, bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính; nâng cao nhận thức của người dân để hạn chế khiếu kiện hoặc bị xúi giục, kích động khiếu kiện; tăng cường đối thoại, vận động, hòa giải từ cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện tốt công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng hành chính; chỉ đạo công chức được cử làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của UBND, chủ tịch UBND các cấp là người bị kiện tham dự đầy đủ các phiên họp, đối thoại, phiên tòa xét xử vụ án hành chính và nghiên cứu, rà soát kỹ cơ sở pháp lý của các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện để tham mưu xử lý đúng quy định, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND cấp huyện chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng; Sở Tư pháp theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các đơn vị trực thuộc để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh một số quy định của Luật Tố tụng hành chính để đảm bảo tính khả thi; chỉ đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh định kỳ giám sát hoạt động ngành tòa án, thi hành án dân sự; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phối hợp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về xét xử, thi hành án hành chính.
Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh chỉ đạo Chánh án TAND tỉnh cân đối lại nhân sự, công việc của cơ quan, kịp thời bổ sung thẩm phán, thư ký có năng lực cho tòa hành chính khi được bố trí thêm biên chế; thường xuyên đôn đốc tiến độ giải quyết án, định kỳ kiểm tra án quá hạn, án tạm đình chỉ kéo dài để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý; khẩn trương thiết lập các điểm cầu xét xử trực tuyến kết nối đến UBND tỉnh, UBND cấp huyện; chủ động thực hiện quy chế phối hợp của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh; kịp thời thông tin với UBND tỉnh việc địa phương, sở, ngành chưa chấp hành nghiêm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với Ban Pháp chế HĐND tỉnh theo dõi việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết án hành chính đạt chỉ tiêu; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết án hành chính; tổ chức thực hiện và báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện khen thưởng, kỷ luật.
TÂM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin