14:16, 02/08/2023

Phiên họp lần thứ nhất về xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện hội nhập quốc tế

N.T

Sáng 2-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”. Cùng chủ trì phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trong nước. Tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Nguồn: baochinhphu.vn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới dựa trên 3 trụ cột xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập. Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ hội nhập kinh tế quốc tế sang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD... Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Đề án và khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện tổng kết, bảo đảm lộ trình, chất lượng xây dựng Đề án theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, bám sát nội dung Nghị quyết.

Quang cảnh tham dự phiên họp từ điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.
Quang cảnh tham dự phiên họp từ điểm cầu tỉnh Khánh Hòa.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, tỉnh Khánh Hòa luôn chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại của các nước trong hoạt động xuất khẩu. Từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa đã cấp 25.180 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho các doanh nghiệp theo các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết với tổng kim ngạch đạt 2,26 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22 tỷ USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 13,4 tỷ USD). Đến nay, Khánh Hòa đã có quan hệ thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa với hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh…

N.T