00:40, 21/07/2023

Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII: Thông qua nhiều quyết sách quan trọng

Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan về những nội dung này.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo quy định hiện hành, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo sinh sống trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, có nhu cầu xây dựng nhà ở sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ nhà ở không vượt quá 40 triệu đồng/hộ (lãi suất cho vay 3%/năm, thời hạn vay tối đa 15 năm, trong 5 năm đầu chưa phải trả nợ gốc); tổng cộng là 84 triệu đồng/hộ.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay, kinh phí để xây dựng 1 căn nhà 30m2, đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) tại TP. Cam Ranh là hơn 110 triệu đồng, tại huyện Cam Lâm hơn 106 triệu đồng, tại huyện Khánh Sơn hơn 111 triệu đồng, tại huyện Khánh Vĩnh hơn 103 triệu đồng. Với mức hỗ trợ xây mới nhà ở chỉ 84 triệu đồng như trên thì các hộ nghèo ở vùng ĐBDTTS và miền núi rất khó khăn để xây dựng được nhà ở.

- Để giúp các hộ nghèo sinh sống trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi xây dựng nhà ở, tỉnh có chính sách hỗ trợ gì, thưa ông?

- Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức ngân sách địa phương hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025. Theo đó, ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, nguồn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay không vượt quá 40 triệu đồng/hộ thì hộ ĐBDTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng khi xây dựng mới nhà ở sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng. Về kinh phí hỗ trợ, đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100%; các địa phương còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện hỗ trợ 30%.

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ này?

- Qua rà soát ở các địa phương, trong giai đoạn 2021 - 2025, số hộ ĐBDTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi trong toàn tỉnh có nhu cầu hỗ trợ xây nhà ở là 1.470 hộ, tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Khánh Sơn (915 hộ) và Khánh Vĩnh (482 hộ).

Việc HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ này là hết sức cần thiết. Đây là chính sách an sinh xã hội thiết thực dành cho hộ nghèo sinh sống ở vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các hộ này có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống; yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chính sách này còn góp phần thực hiện mục tiêu: “Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS và miền núi” đã được HĐND tỉnh đặt ra tại Nghị quyết số 16/2021 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

HẢI LĂNG (Thực hiện)

-----------------------------------------------

Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, thông qua chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng kho dữ liệu dùng chung tỉnh Khánh Hòa, với tổng mức đầu tư dự kiến 30 tỷ đồng. Đây là dự án thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu tại Nghị quyết số 16/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 318/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.  

-    Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

- Mục tiêu dự án hướng đến là gì, thưa ông?

- Dự án được đầu tư nhằm xây dựng, định hình hệ thống kho dữ liệu dùng chung của tỉnh - một trong những nền tảng dùng chung quan trọng phục vụ hoạt động chuyển đổi số của tỉnh. Nền tảng này bao gồm các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu được xây dựng đồng bộ, đảm bảo tính sẵn sàng kết nối, tích hợp, trao đổi dữ liệu với các hệ thống thông tin của Trung ương và của tỉnh, sẵn sàng cho việc khai thác các hệ thống dữ liệu dùng chung. Bên cạnh đó, kho dữ liệu dùng chung của tỉnh còn cung cấp dịch vụ dữ liệu cho các hệ thống dịch vụ công; cung cấp dữ liệu mở cho các tổ chức, cá nhân và cung cấp các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân. Dự án này còn tạo ra không gian dữ liệu số, phục vụ yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

- Xin ông cho biết cụ thể về quy mô đầu tư của dự án này?

- Dự án Xây dựng kho dữ liệu dùng chung tỉnh Khánh Hòa có quy mô đầu tư như sau: Một là, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác kho dữ liệu dùng chung. Hai là, xây dựng, tích hợp thông tin, dữ liệu vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung đảm bảo tính chính xác, đồng bộ, khả năng tích hợp mở rộng và đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khai thác với hiệu suất cao. Các nguồn dữ liệu được tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung gồm có: Nhóm CSDL về thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nhóm các CSDL chuyên ngành của các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Giao thông, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn hóa, Du lịch và CSDL các lĩnh vực khác. Ba là, đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh với các phần mềm thành phần theo nội dung khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh được xác định là một trong những thành phần trọng yếu và là một trong những nền tảng quan trọng nhất trong kiến trúc Chính phủ điện tử. Bốn là, xây dựng các quy trình hướng dẫn về cách thức vận hành, tích hợp, cập nhật, trao đổi thông tin và chia sẻ các dịch vụ dữ liệu của kho dữ liệu dùng chung. Năm là, xây dựng hệ thống pháp lý phục vụ công tác quản lý vận hành kho dữ liệu dùng chung.

- Xin cảm ơn ông!

HẢI LĂNG (Thực hiện)

-----------------------------------------------

Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính: Hỗ trợ cho lao động trẻ làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể

Trên địa bàn tỉnh có 162 hợp tác xã (HTX), trong đó có 128 đơn vị đang hoạt động, 34 đơn vị ngừng hoạt động. Thời gian qua, hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là về năng lực quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn này, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động kinh tế tập thể và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. 

Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính
Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính

- Nghị quyết này áp dụng cho những đối tượng nào, thưa ông?

- Nghị quyết được áp dụng cho 3 đối tượng, gồm: Tổ chức kinh tế tập thể là các HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh, được đăng ký thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể; lao động trẻ (nữ không quá 35 tuổi, nam không quá 40 tuổi) có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, có cam kết công tác tại tổ chức kinh tế tập thể đến hết năm 2025.

- Xin ông cho biết cụ thể về nội dung, mức chi hỗ trợ cho các đối tượng?

- Chính sách hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ kinh phí ăn ở cho tối đa 2 học viên/khóa đào tạo năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể, với mức chi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Hỗ trợ tối đa 2 lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể, với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Ngân sách tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố để cấp cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trên địa bàn tỉnh theo số đối tượng thực tế được hỗ trợ.

Các nội dung hỗ trợ khác cho các tổ chức kinh tế tập thể sẽ được thực hiện theo Thông tư số 124/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 ban hành theo Quyết định số 1804/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.

- Xin cảm ơn ông! 

H. LĂNG (Thực hiện)