Ngày 18 và 19-7, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế để phát huy mọi nguồn lực cho phát triển.
Kinh tế phục hồi ấn tượng nhưng vẫn còn một số hạn chế
Theo Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII của Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự đoàn kết và quyết tâm cao, nắm chắc tình hình thực tế, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kinh tế phục hồi và tăng trưởng ấn tượng sau dịch bệnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trong khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp (dịch vụ chiếm 47,83%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,94%; nông nghiệp chiếm 10,43%). Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII được thực hiện tốt. Dự báo tới cuối nhiệm kỳ sẽ có 23/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, gồm tất cả chỉ tiêu về kinh tế và xây dựng Đảng.
Công nhân xí nghiệp may Khatoco đang sản xuất. Ảnh: Đình Lâm |
Tuy nhiên, qua rà soát tại hội nghị, Tỉnh ủy đã nêu 3 chỉ tiêu đạt thấp, cần phải nỗ lực vượt bậc để đạt kế hoạch đề ra, đó là chỉ tiêu về tỷ lệ xã nông thôn mới, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ che phủ rừng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, như: Quản lý, sử dụng đất đai và quản lý quy hoạch, xây dựng ở một số địa phương còn bộc lộ nhiều thiếu sót; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công; hạ tầng giao thông, nhất là ở TP. Nha Trang còn hạn chế, chưa đồng bộ… Đặc biệt, nhiều đại biểu đánh giá, lĩnh vực công nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng công suất và năng lực đầu tư mới, đầu tư mở rộng tăng không đáng kể. “Giá trị sản xuất công nghiệp tăng chủ yếu là nhờ công nghiệp năng lượng (Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào hoạt động); còn công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển được nhiều. Đây là sự tăng trưởng chưa bền vững. Thời gian tới, cần khai thác tính ưu việt về cơ chế chính sách, đẩy nhanh việc xây dựng các dự án hạ tầng ở Khu Kinh tế Vân Phong để thu hút các dự án đầu tư công nghiệp…”, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương nêu ý kiến tại buổi thảo luận.
Cũng tại hội nghị, một số đại biểu đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư của tỉnh. Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang đánh giá, đến nay, ý chí thoát nghèo của đồng bào ở 2 huyện miền núi chưa cao, sự nỗ lực để thoát nghèo vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh tạo sinh kế cho người dân, cần phải có giải pháp tuyên truyền phù hợp để đồng bào có ý thức vươn lên, nhất là ở thế hệ trẻ.
Cần tập trung tháo gỡ khó khăn
Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu nêu vấn đề, tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Hiện nay, qua rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 111 dự án chậm tiến độ, có những dự án đến 20 năm vẫn chưa hoàn thành. Các dự án chậm tiến độ đều nêu nguyên nhân do giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân đầu tư công. Chúng ta cần phải phân tích rõ nguyên nhân chậm của công tác giải phóng mặt bằng, từ đó chỉ đạo kiên quyết xử lý các dự án không bảo đảm tiến độ theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án”, ông Nguyễn Trọng Trung - Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nêu ý kiến.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Lê Thu Hải - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, các cấp chính quyền và các ngành cần nỗ lực nhiều hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn là cách để duy trì nguồn thu cho tỉnh. Các dự án lớn phải vài năm nữa mới cho nguồn thu. Nếu không hỗ trợ tốt các doanh nghiệp thì việc thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động sẽ rất khó khăn”, bà Hải bày tỏ.
Sửa chữa đường dây 500kV Vân Phong - Nha Trang. |
Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường để hướng đến phát triển bền vững, trong đó có việc quy hoạch lại nuôi trồng thủy sản. “Hiện nay, toàn tỉnh có gần 98.000 lồng bè, nguy cơ ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần quy hoạch lại việc nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân chuyển đổi lồng bè nuôi ở khoảng cách ngoài 6 hải lý… để đảm bảo môi trường bền vững gắn với phát triển du lịch” - ông Trần Ngọc Thanh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp để hài hòa, cân đối giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển văn hóa, nhất là việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời chú trọng, quan tâm hơn nữa công tác quản lý nhà nước về bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa gắn với hoạt động du lịch; đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu các ý kiến góp ý và giải trình. Liên quan đến vấn đề phát triển công nghiệp, ông Hà Quốc Trị cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực mời gọi, xúc tiến đầu tư về lĩnh vực công nghiệp. Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với nhiều nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khoảng 14.700 tỷ đồng và đang tích cực khảo sát, triển khai thủ tục đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của công tác quy hoạch, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp của tỉnh còn hạn chế, nên trước hết cần tập trung phát triển hạ tầng khu công nghiệp để sẵn sàng thu hút các dự án phát triển công nghiệp khi có đủ điều kiện. Về vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp tổng thể nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường; đồng thời sẽ giao UBMTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng đề án để triển khai thực hiện, trước mắt sẽ phát động một số chương trình hành động nhằm mục tiêu nâng cấp chỉ số “xanh” trên toàn tỉnh.
Ông NGUYỄN HẢI NINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: Sau hội nghị, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo sơ kết các nghị quyết của Tỉnh ủy về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể đối với các chỉ tiêu hiện nay chưa đạt và khó đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tỉnh cũng chú trọng đề ra và triển khai giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Để việc phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm; tăng cường nghiên cứu những kiến thức mới trong khu vực và trên thế giới; sớm tổ chức “Diễn đàn chính sách địa phương” để trao đổi, học tập kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác; chủ động xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu trở thành nơi hội tụ, kết nối trí tuệ và là nơi tiên phong về chính sách phát triển đột phá của địa phương.
XUÂN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin