19:31, 20/06/2023

Tuyến đường kết nối 3 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận:
Cơ hội mới, động lực mới phát triển kinh tế vùng

MẠNH HÙNG (Thực hiện)

Sáng 20-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 (Tỉnh lộ 9) tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, với 471/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về tin vui này.

- Thưa ông, việc Quốc hội đã bấm nút thông qua Dự án đường giao thông kết nối 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có ý nghĩa như thế nào đối với địa phương?

- Trước tiên, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Quốc hội đã thông qua Dự án đường kết nối 3 tỉnh: Khánh Hòa - Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Việc Quốc hội thông qua dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Cách đây 15 năm, tỉnh đã có ý tưởng xây dựng tuyến đường này. Tuy nhiên, thời điểm đó, nguồn lực của địa phương còn hạn chế; các cơ chế, chính sách vẫn còn một số rào cản. Vì thế, dự án này đành phải gác lại. Nhưng với ý chí quyết tâm của tỉnh cần phải làm cho kỳ được tuyến đường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trực tiếp là 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, một lần nữa UBND tỉnh đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện dự án này.

 Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân trong một lần đi thăm, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang Bo Bo Tới, huyện Khánh Sơn.
Ông Nguyễn Tấn Tuân trong một lần đi thăm, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang Bo Bo Tới, huyện Khánh Sơn.

Huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, là các huyện trong danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; điều kiện sinh sống còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 45% dân số; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh. Việc đầu tư dự án là rất cần thiết vì sẽ góp phần cụ thể hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, là xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó phát triển huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng thuộc Khánh Hòa.

Cùng với đó, việc đầu tư dự án này còn phá bỏ tính độc đạo của tuyến Tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường cơ động và nhanh chóng ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ an ninh, quốc phòng của khu vực.

Ngoài ra, điểm đầu của dự án kết nối vào Quốc lộ 27C, điểm cuối của Dự án kết nối với tuyến đường tỉnh 707 (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), khi được đầu tư hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía tây của tỉnh Khánh Hòa kết nối với trục giao thông cũng theo hướng Bắc - Nam (đường tỉnh 707) tại khu vực phía tây của tỉnh Ninh Thuận. Trục giao thông nêu trên kết nối đồng bộ với mạng lưới các trục đường giao thông theo hướng Đông - Tây hiện có của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây Khánh Hòa qua phía tây Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

- Dự án được triển khai sẽ tạo động lực gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

- Với tính kết nối giao thông như trên, tuyến đường sẽ góp phần tạo động lực, thúc đẩy, lan tỏa phát triển kinh tế không chỉ đối với huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh mà còn đối với cả các địa phương khác thuộc 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Khi trục đường mới của dự án được hình thành, hàng hóa, hành khách từ huyện Khánh Sơn và các khu vực phía tây của tỉnh Ninh Thuận giáp ranh với huyện Khánh Sơn ngoài việc có thể đi thẳng qua huyện Khánh Vĩnh, qua tỉnh Lâm Đồng thì việc di chuyển, vận chuyển đến TP. Nha Trang cũng được rút ngắn đáng kể; kết nối giao thông bằng tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, hướng đi ngắn hơn đường tỉnh 656 hiện trạng để đến các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh (Sông Cầu, Diên Thọ, Suối Dầu, Trảng É, Đắc Lộc..); các cảng biển ở Khu Kinh tế Vân Phong; kết nối Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao trong tương lai (có ga chính tại huyện Diên Khánh); các đầu mối trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa. Theo chiều ngược lại, hàng hóa, du khách từ các địa phương lân cận của tỉnh Lâm Đồng, của các khu vực ở trung tâm và phía bắc của tỉnh Khánh Hòa theo mạng lưới giao thông đường bộ kết nối đến Quốc lộ 27C rồi thông qua trục đường mới của dự án sẽ kết nối hết sức thuận lợi với huyện Khánh Sơn và các huyện phía tây của tỉnh Ninh Thuận giáp huyện Khánh Sơn.

Tuyến đường hình thành tăng khả năng kết nối giao thông, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp thế mạnh của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch như thác Yang Bay (Khánh Vĩnh) và thác Tà Gụ (Khánh Sơn), tạo cơ hội liên kết các tỉnh trong vùng, phát triển thành các vùng du lịch; kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi địa phương.

Đường kết nối Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ phá thế độc đạo của Tỉnh lộ 9 từ Khánh Sơn đi các địa phương khác và ngược lại.
Đường kết nối Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ phá thế độc đạo của Tỉnh lộ 9 từ Khánh Sơn đi các địa phương khác và ngược lại.

Dự án được đầu tư sẽ giúp kinh tế có điều kiện phát triển, người dân có thêm nhiều cơ hội việc làm, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn 2 huyện so với toàn tỉnh. Dự án sẽ góp phần trong việc hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo” theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Khánh Hòa đề ra.

- Thưa ông, đối với dự án này, Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù nào cho tỉnh?

- Dự án có quy mô đầu tư thuộc nhóm A, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III miền núi. Tuy nhiên, do phải chuyển mục đích sử dụng 59,95ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn để thực hiện nên dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự hoặc lớn hơn. Chẳng hạn như vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, kết quả xem xét, thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, nội dung đề xuất của Chính phủ, Quốc hội thống nhất giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư các dự án thành phần; trình tự lập, thẩm định quyết định đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý; trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

- Để triển khai dự án này, thời gian tới, tỉnh sẽ phải thực hiện những công việc gì, thưa ông?

- Trước hết, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với dự án.

Sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án và được giao tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền và quyết định đầu tư dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý, UBND tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện dự án. Theo đó, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí 930 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở tình hình thực tế công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và các điều kiện liên quan khác cho phép, đặc biệt đối với việc áp dụng các cơ chế đặc biệt cho dự án, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện, cố gắng cơ bản hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án trong năm 2026.

- Xin cảm ơn ông!

Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh; điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên Tỉnh lộ 9. Dự án có tổng chiều dài 56,9km đường cấp III miền núi tốc độ thiết kế 60km/giờ, đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40km/giờ; 2 làn xe không có dải phân cách giữa; tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Tổng diện tích đất cho dự án gần 129ha, trong đó diện tích đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng gần 75,6ha. Dự kiến, có khoảng 211 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 11 hộ phải tái định cư. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 102 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2022 - 2027.

MẠNH HÙNG (Thực hiện)