22:02, 26/06/2023

Tàu Trường Sa 571: Vững vàng vượt sóng 

VĨNH LẠC

Hơn 11 năm vượt sóng gió, với trọng trách lớn lao chở người, hàng tiếp sức cho quân và dân các đảo ở Trường Sa, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tàu Trường Sa 571 luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng những chuyến biển bình an, gửi gắm bao tình cảm, vật chất từ đất liền ra đảo...

Những sĩ quan trẻ

Hàng ngày, theo dõi con tàu, điều chỉnh kịp thời theo kế hoạch hành quân của Ban Chỉ huy tàu, Thiếu tá Phan Tiến Định (sinh năm 1990) - Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 571 chỉ mong sao thời tiết êm thuận, không có trắc trở để con tàu đi nhanh, đều theo kế hoạch. Thuộc lớp sĩ quan trẻ chỉ huy tàu, tốt nghiệp Học viện Hải quân từ năm 2013, trải qua bao năm thử thách, làm quen với việc điều hành 3 tàu vận tải, đến tháng 3-2022, anh Định vinh dự được làm chỉ huy tàu 571. Theo anh Định, để vận hành thông suốt, tàu chia làm 3 ca trực, mỗi ca 8 người. Trong đó, tổ hàng hải có 6 người, gồm 1 ca trưởng, 1 người điều khiển tàu, 1 người điều khiển máy, 2 người quan sát và 1 người trực thông tin. 

Một kíp trực điều khiển hàng hải
Một kíp trực điều khiển hàng hải

Sau ca trực, Thượng úy Lương Việt Tiến - Phó Thuyền trưởng bước ra boong, hít một hơi dài rồi nhìn ra xa. Với anh Tiến, hành trình đưa con tàu đi đến đích, bảo đảm an toàn tuyệt đối không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh của trái tim. Là sĩ quan còn rất trẻ (sinh năm 1996), tốt nghiệp Học viện Hải quân cách đây hơn 3 năm, đây cũng là quãng thời gian anh Tiến thường xuyên có mặt trên tàu, cuốn theo những chuyến hải trình. Những kiến thức đã học từ những năm còn ở học viện là nền tảng để anh Tiến vững vàng với vai trò của một người lái tàu. “Nếu sóng gió bình thường thì không có gì đáng ngại, nhưng sóng gió cấp 5, cấp 6, tàu tròng trành là lúc kíp lái phải căng mắt, giữ vững hướng đi. Điều đáng ngại nhất là lúc con tàu bị sự cố mất điện, hay áp suất dầu tụt quá sâu. Lúc này, việc điều khiển rất khó khăn, bánh lái có thể không còn tuân theo sự điều khiển của lái tàu. Đây là các tình huống cơ bản mà các học viên lái tàu thường xuyên được tập luyện khi còn ở học viện. Ngay lúc đó, lái tàu lập tức báo cáo với ca trưởng triển khai đến các bộ phận liên quan như cơ điện, hệ thống máy, lái để khẩn trương tổ chức khắc phục sự cố”, anh Tiến nói. Gắn bó cùng con tàu với bao kỷ niệm buồn vui, anh Tiến luôn tự hào vì mình đã đóng góp công sức nhỏ bé xây dựng lực lượng hải quân. Tổ ấm của anh với người vợ hiền đang làm việc ở sân bay Cam Ranh cùng bé gái 3 tuổi luôn làm anh ấm lòng mỗi khi ra khơi.

Thức khuya, dậy sớm chuẩn bị bữa ăn

3 giờ sáng, các khoang của tàu 571 vẫn sáng đèn. Bận rộn nhất là những “anh nuôi” tíu tít đi đi, lại lại vo gạo nấu cơm, gọt, thái rau củ, thực phẩm chuẩn bị buổi sáng cho cả trăm người gồm thủy thủ và khách trên tàu. Trong gian bếp, Đại úy Trần Trọng Lâm lật trở những quả trứng chiên trong chảo. Anh được “phong” làm bếp trưởng trên tàu bởi có nhiều kinh nghiệm nấu nướng, chế biến thức ăn. Anh cho biết, tổ hậu cần có 12 người (5 sĩ quan, 7 chiến sĩ), không ai được đào tạo ngành bếp nhưng mọi người vẫn làm được nhờ lớp đàn anh đi trước chỉ bảo, lâu thành quen. Ai giỏi món nào thì làm món đó. Điều những “anh nuôi” ngại nhất là những lúc sóng to, gió lớn. Khi đó, các anh càng cẩn thận hơn, bếp lúc đó phải được chằng, buộc nếu không nồi sẽ nghiêng ngả, đổ vỡ, thức ăn nóng, sôi có thể bắn vào người...

Theo Trung úy Đặng Văn Tư - phụ trách tổ hậu cần, do phải lo khẩu phần ăn liên tục cho hàng trăm người trong ngày nên các anh em bận rộn từ sớm đến tối. Tổ được chia nhỏ thành các nhóm: Làm thực phẩm, chế biến, chia cơm, lên bàn... Tất cả đều có sức khỏe tốt, chống chịu được sóng gió. Nhằm phục vụ tốt thủy thủ đoàn và đại biểu trên tàu, tổ luôn chú ý đến khẩu phần, thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng các vùng miền, đảm bảo chất lượng, số lượng cho mọi người ăn ngon miệng, đủ sức chống chịu với sóng gió. Để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, các loại thực phẩm đưa lên tàu đều được Phòng Hậu cần Vùng 4 Hải quân thẩm định trước khi đi tàu. Hầu hết thực phẩm đều lấy từ Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn - doanh nghiệp quân đội trực thuộc Quân chủng Hải quân, chuyên cung cấp thực phẩm đã được thẩm định. Thực phẩm được bảo quản tốt trong các tủ đông trên tàu, được duy trì nguồn điện liên tục trong suốt hành trình.  

Những ngày theo đoàn công tác ra Trường Sa, chúng tôi cảm nhận tình cảm ấm áp của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Không chỉ chú ý thực hiện lộ trình theo kế hoạch hành quân, các anh còn quan tâm đến sức khỏe của từng thành viên đoàn công tác; nhắc nhở mọi người tránh đứng gần mạn tàu khi tàu rung lắc hay đặt tay vịn thành ca nô để tránh thương tích... Ông Văn Ngọc Sen - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng đoàn công tác chia sẻ, đây là lần thứ 2 ông đến Trường Sa, lần nào cũng đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Mọi người được chăm chút đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Quân chủng Hải quân ngày càng có nhiều tàu lớn, hiện đại hơn nên đời sống trên tàu ngày càng thoải mái, chất lượng…

Tàu Trường Sa 571 kiêu hãnh buông neo giữa biển khơi
Tàu Trường Sa 571 kiêu hãnh buông neo giữa biển khơi

Tàu Trường Sa 571 là loại tàu chở khách hiện đại và lớn nhất hiện nay của Quân chủng Hải quân do Việt Nam tự thiết kế và thi công. Tàu có chiều dài 70m, rộng hơn 13m, lượng giãn nước 2.000 tấn, năng lực chở hơn 200 người; kết cấu tàu gồm 4 tầng, bố trí các phòng ở với 213 giường, 45 phòng. Từ năm 2012, tàu Trường Sa 571 được bàn giao cho Vùng 4 Hải quân quản lý. Đến nay, tàu đã vượt hàng chục ngàn hải lý, mang theo hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vật chất cũng như đưa, đón hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo.  

VĨNH LẠC