Chiều 27-6, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề “Tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” làm việc với các sở, ngành liên quan và TP. Nha Trang. Các ông: Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Ngọc Sanh - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ông Trần Mạnh Dũng phát biểu kết luận cuộc họp |
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về kinh tế - xã hội để triển khai thực hiện các cơ chế thí điểm một số chính sách đặc thù của tỉnh, hướng đến là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó xác định trách nhiệm phục hồi và phát triển kinh tế là trọng tâm, kéo theo đó tốc độ đô thị hóa cao, mật độ xây dựng gia tăng dẫn đến nhu cầu lớn cho việc phát triển công trình nhà ở, chung cư, khách sạn, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, siêu thị là tất yếu; việc điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, thành phần hồ sơ đối với các công trình xây dựng để thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nên vấn đề PCCC đối với các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giải trí đang là vấn đề “nóng” trên các diễn đàn tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp ở địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Mạnh Dũng đề nghị các sở, ngành và các địa phương cần đặt lên hàng đầu đối với công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC cũng như các gương điển hình cùng với chế tài đối với công tác PCCC; xác định phương châm “4 tại chỗ”, trong đó không thoái thác trách nhiệm hết cho ngành Công an. Ông cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, qua đó thúc đẩy phong trào toàn dân PCCC tại địa bàn khu dân cư, hộ gia đình, đồng thời xây dựng các mô hình hay về PCCC. Về công tác quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, ông Trần Mạnh Dũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần đảm bảo 2 mặt công tác, trước hết là công tác tuyên truyền phải đảm bảo tính răn đe nhưng phải đảm bảo được kỷ cương phép nước, do đó cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Để làm được việc này thì phải đảm bảo được tính nhất quán, đồng bộ trong hoạt động của các ngành, có như thế thì hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về PCCC sẽ đạt được kết quả cao.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có 14.337 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, (có 1.081 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; 203 nhà cao tầng; 11 nhà siêu cao tầng; 500 cơ sở chung cư, khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch; 15 cơ sở kinh doanh hóa chất; 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất; 70 cơ sở sử dụng hóa chất; 211 cửa hàng xăng dầu; 127 các chợ, 10 trung tâm thương mại; 8 kho vật liệu nổ công nghiệp; 10 trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa chất), trong đó, có 2.843 cơ sở có tồn tại, thiết sót về PCCC, xử lý vi phạm hành chính; tạm đình chỉ hoạt động 60 trường hợp; đình chỉ hoạt động 20 trường hợp; ban hành 305 văn bản kiến nghị cơ sở khắc phục các tồn tại, thiết sót; thu hồi giấy phép an ninh trật tự đối với 160 cơ sở; yêu cầu 260 cơ sở ngừng hoạt đồn để khắc phục các tồn tại, thiết sót về PCCC.
THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin