Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã xem xét thông qua 12 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và 9 nghị quyết thông thường, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: An sinh xã hội, chủ trương đầu tư công và lĩnh vực đất đai. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn nhanh các đại biểu về một số chủ trương quan trọng được thông qua tại kỳ họp.
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã xem xét thông qua 12 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và 9 nghị quyết thông thường, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: An sinh xã hội, chủ trương đầu tư công và lĩnh vực đất đai. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn nhanh các đại biểu về một số chủ trương quan trọng được thông qua tại kỳ họp.
Thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh - Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết:
- Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh. Việc đầu tư dự án giao thông này sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông huyện Diên Khánh và tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đô thị huyện Diên Khánh; tạo quỹ đất để phát triển đô thị; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dân sinh trong khu vực phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương được nêu tại Nghị quyết số 42 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Xin ông cho biết đôi nét về nội dung, quy mô của dự án này?
- Dự án đi qua địa bàn xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) và các xã: Diên Phú, Diên Điền, Diên Sơn, Diên Lạc, Bình Lộc, Diên Tân (huyện Diên Khánh); điểm đầu giao với đường Nguyễn Lương Bằng, cách phía bắc cầu Vĩnh Phương hơn 1km; điểm cuối nối vào Hương lộ 62 (thuộc xã Diên Tân). Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.497 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 400 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 1.097 tỷ đồng; thực hiện trong giai đoạn 2023-2027. Đây là công trình giao thông cấp II; có tổng chiều dài 19,15km, đoạn qua TP. Nha Trang dài 1,05km, đoạn qua huyện Diên Khánh dài 18,1km. Nhu cầu sử dụng đất dự kiến 55,76ha, trong đó có 3,15ha thuộc địa bàn TP. Nha Trang và 52,61ha thuộc huyện Diên Khánh.
- Được biết, dự án này sẽ được phân chia thành 3 dự án thành phần, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này?
- Dự án đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh là dự án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, ra khỏi dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Do đó, dự án này được phân chia thành 3 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 là Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh, có tổng mức đầu tư gần 1.360 tỷ đồng, giao cho Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 2 là Dự án thành phần giải phóng mặt bằng địa bàn TP. Nha Trang, có tổng mức đầu tư 4,57 tỷ đồng, do UBND TP. Nha Trang làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 là Dự án thành phần giải phóng mặt bằng địa bàn huyện Diên Khánh, có tổng mức đầu tư hơn 132,4 tỷ đồng, do UBND huyện Diên Khánh làm chủ đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh là 400.000 đồng/tháng - Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
- Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện trợ giúp xã hội tại cộng đồng cho 42.651 đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện hỗ trợ cho 5.522 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng; chăm sóc nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội 480 đối tượng. Kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội cho các đối tượng hơn 25 tỷ đồng/tháng (tương đương 320 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ mai táng phí hơn 3 tỷ đồng/tháng (tương đương 12 tỷ đồng/năm), hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội hơn 30 tỷ đồng/năm.
Qua 1 năm triển khai Nghị định số 20 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh áp dụng 360.000 đồng/tháng như hiện nay còn thấp; các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu trong cuộc sống. Mặt khác, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở 2 nhóm: Người khuyết tật và người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 93,5% trên tổng số đối tượng trợ cấp). Đây là những nhóm đối tượng yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, không còn khả năng lao động, không tự tạo ra nguồn thu nhập hoặc thu nhập thấp, không ổn định và chủ yếu sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội hàng tháng nên càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cần thiết phải nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để tăng thêm kinh phí hỗ trợ, cải thiện đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Xin ông cho biết cụ thể mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh vừa được HĐND tỉnh thông qua?
- Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được áp dụng là 400.000 đồng/tháng. Mức chuẩn này là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và mức trợ cấp xã hội khác theo Nghị định số 20 năm 2021 của Chính phủ.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH LA (Thực hiện)