Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa có văn bản góp ý cho nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa có văn bản góp ý cho nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, tại khoản 2 Điều 89 của quy định nguyên tắc về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi có nêu: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ”, HND tỉnh cho rằng cần cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ’’ vì cụm từ ‘’bằng hoặc tốt hơn’’ vẫn còn chung chung. Tại khoản 5 điều này có nêu: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”. Đối với vấn đề này, HND tỉnh đề nghị, việc hỗ trợ tái định cư cần nhất quán, không để xảy ra tình trạng người chấp hành tốt chịu thiệt thòi, người chây ì lại được xem xét hỗ trợ, bồi thường tốt hơn.
Đối với khoản 3 Điều 89, HND tỉnh góp ý: Việc bồi thường đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được “bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi’’ cần thay bằng “theo giá đất thị trường’’ của loại đất thu hồi. Đồng thời, cần nêu rõ đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở “có giá trị tương đương tại thời điểm bị thu hồi’’ thay vì chỉ nêu “nhà ở”.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, điều này làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Dự thảo đã sửa đổi theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, dự thảo cần quy định điều kiện tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận. Để đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa của địa phương, cần phải có các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát mục đích của chuyển nhượng để tránh tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách này thu gom đất không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.
HỒNG ĐĂNG (ghi)