Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp tỉnh; bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai của chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp tỉnh; bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai của chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản gắn liền với đất đều do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
So với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND các cấp và Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có quy định UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Khi đã phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì thẩm quyền giải quyết do tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, với nguyên tắc tranh tụng công khai, dân chủ… hoặc do trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại đối với tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là phù hợp.
Theo đó, tùy từng vụ việc, tòa án xác định UBND tham gia tố tụng vụ kiện tranh chấp đất đai với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước trong quản lý đất đai và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.
Tuy dự thảo đã bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND và Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng tại khoản 16 Điều 26 về nội dung quản lý nhà nước về đất đai vẫn quy định nội dung “Giải quyết tranh chấp về đất đai” là không phù hợp. Do đó, dự thảo cần sửa khoản 16 Điều 26 về nội dung quản lý đất đai từ “Giải quyết tranh chấp về đất đai” thành “Hòa giải về tranh chấp đất đai” cho phù hợp với quy định tại Điều 225, 226 dự thảo luật.
Đối với Điều 226 của dự thảo quy định “Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai” thì “khiếu kiện” là từ ghép của “khiếu nại” và “khởi kiện” không phù hợp với thuật ngữ pháp lý trong Luật Tố tụng hành chính, do đó nên sửa thành “khởi kiện”. Ngoài ra, nội dung Điều 226 chỉ quy định người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại lần đầu và khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không quy định quyền khiếu nại lần hai và quyền khởi kiện với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai về đất đai là chưa phù hợp với Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Do đó, dự thảo cần sửa đổi quy định này cho phù hợp với Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính để đảm bảo quyền khiếu nại và khởi kiện của người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong quan hệ đất đai.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà