Ngày 17-11, tại TP. Cam Ranh, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 06/2018 của HĐND tỉnh về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo tỉnh.
Ngày 17-11, tại TP. Cam Ranh, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 06/2018 của HĐND tỉnh về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo tỉnh.
Theo đó, đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị địa phương làm rõ một số vấn đề, như: Đánh giá kết quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững dành cho hộ mới thoát nghèo; việc lồng ghép các chương trình chính sách của Trung ương, của tỉnh để giúp người dân thoát nghèo bền vững; việc triển khai một số nội dung của Nghị quyết số 06 về quy định thời gian đáo hạn, quy chế quản lý các đối tượng vay vốn phát triển sản xuất… Đoàn giám sát cũng ghi nhận các kiến nghị của địa phương về tiếp tục duy trì chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo; các chế độ, chính sách đối với cộng tác viên làm công tác giảm nghèo ở thôn, tổ dân phố, chế độ cho cán bộ phụ trách giảm nghèo ở cấp xã, chính sách dành cho hộ nghèo có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo…
Từ năm 2018 đến nay, thành phố có hơn 5.000 lượt hộ mới thoát nghèo được vay hơn 4,64 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Cam Ranh (được hỗ trợ lãi suất) để phát triển sản xuất, kinh doanh từng bước ổn định cuộc sống.
. Cùng ngày, Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan về chuyên đề giám sát kết quả thực hiện Quyết định số 1008 (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” và việc đầu tư trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức giáo dục phổ thông tại các huyện, xã miền núi.
Hiện nay, toàn tỉnh có 49 trường mầm non có trẻ DTTS và 150 trường tiểu học có 8.045 học sinh DTTS; hệ thống trường, lớp các vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao; 100% trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt nên khả năng giao tiếp, sử dụng tiếng Việt ngày càng tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các ngành, địa phương cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy tiếng dân tộc; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vùng DTTS; đảm bảo các chế độ, chính sách cho giáo viên, trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS…
H.L - Mã Phương