UBND huyện Khánh Vĩnh vừa ban hành Chỉ thị số 11 về chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu chuyên môn và tổ chức các cuộc họp xử lý công việc thường xuyên của lãnh đạo UBND huyện. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện cho biết:
UBND huyện Khánh Vĩnh vừa ban hành Chỉ thị số 11 về chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu chuyên môn và tổ chức các cuộc họp xử lý công việc thường xuyên của lãnh đạo UBND huyện. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện cho biết:
- Thời gian qua, triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, quyền hạn được giao. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân...
Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến việc chấp hành giờ giấc làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; tình trạng đi muộn, về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính, giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực thi công vụ... vẫn còn xảy ra. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị còn thiếu tính chủ động, tính tự giác trong nghiên cứu giải quyết, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Đôi khi còn có tình trạng chờ văn bản giao việc của cấp trên mới xử lý hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị khác. Một số nội dung tham mưu chậm, chất lượng tham mưu thấp, chưa đạt yêu cầu...
Chính vì vậy, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 11 nhằm chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng tham mưu chuyên môn và tổ chức các cuộc họp xử lý công việc thường xuyên của lãnh đạo UBND huyện.
- Để giải quyết những hạn chế nêu trên, chỉ thị đã đề ra những giải pháp nào, thưa ông?
- Đối với công tác tham mưu, UBND huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Quy chế làm việc của UBND huyện; quyết định phân công công tác của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND huyện và các ủy viên UBND huyện; không ngừng trau dồi, nghiên cứu, nắm chắc các quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý; thường xuyên cập nhật sự thay đổi của các quy định pháp luật để chủ động xử lý công việc, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền. Đồng thời, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục những bất cập, chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là giữa quy định của tỉnh với quy định của Trung ương, đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, đúng quy định.
Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các nội dung tổng hợp, báo cáo, tham mưu phải có chính kiến, quan điểm cụ thể. Trong trường hợp việc đề xuất thực hiện theo yêu cầu tình hình thực tiễn của huyện, địa phương nhưng chưa có quy định pháp lý cụ thể thì cơ quan chủ trì hoặc cơ quan đóng góp ý kiến phải nêu việc đề xuất trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của cấp trên, học tập kinh nghiệm của các huyện, thị xã, thành phố khác đã thực hiện (nếu có). Khi cần thiết, phải chủ động lấy ý kiến cơ quan cấp trên hoặc tham mưu UBND huyện xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan cấp trên theo quy định.
Chỉ thị cũng nêu rõ việc không tham mưu UBND huyện, chủ tịch UBND huyện đồng ý, thông qua các công việc, đề án khi: Không đúng thẩm quyền đối với nội dung đề xuất; có nội dung chưa phù hợp quy định của pháp luật hoặc chưa có quy định của pháp luật; cơ quan chủ trì chưa nhận đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến nội dung công việc; đưa ra nhiều phương án mà không phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và không đề xuất phương án nên lựa chọn.
Nhằm đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hội họp, chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường việc họp trực tuyến; tăng cường hình thức họp giao ban trực tuyến khi cơ quan cấp trên tổ chức; thường xuyên trao đổi công việc hàng tuần, định kỳ giữa chủ tịch, các phó chủ tịch UBND huyện với các cơ quan, đơn vị, địa phương, giữa lãnh đạo cấp huyện với lãnh đạo cấp xã và giữa các cơ quan, đơn vị với nhau... Đối với các cuộc họp của chủ tịch và các phó chủ tịch xử lý các công việc thường xuyên, giao Văn phòng HĐND và UBND huyện xem xét tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu cuộc họp để tham mưu thành phần, số lượng đại biểu tham dự... Bên cạnh đó, chỉ thị cũng đề ra các nội dung yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, thời gian và chất lượng giải quyết công việc tại cơ quan nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
VĨNH THÀNH (Thực hiện)