09:08, 18/08/2022

Ngày hội của toàn dân

Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521 lấy ngày 19-8 hàng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc...

   . Đại tá Nguyễn Thế Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh
 
Đại tá Nguyễn Thế Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 13-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521 lấy ngày 19-8 hàng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ngày 19-8 là ngày thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ của nhân dân ta, Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, cũng là Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ. 
 
 
Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự
 
Kỷ niệm 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, chúng ta tự hào nhìn lại những nỗ lực và thành quả trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ toàn tỉnh. Từ sự phát triển nhanh của các mô hình tự quản an ninh trật tự (ANTT) đến sự trưởng thành của các lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTQ ở cơ sở; từ mối quan hệ mật thiết, gắn bó của lực lượng Công an với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đến ý thức của toàn dân chung tay bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 290 mô hình, tổ chức tự quản ANTT. Từ các thành viên “Đội xe thồ tự quản” (mô hình có ở 8 địa phương trong tỉnh) dũng cảm truy bắt tội phạm đến những cựu chiến binh phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” tập hợp nhau xây dựng các mô hình “2+1”, hay “Thắp sáng niềm tin” (ở các phường: Phước Hải, Phước Long, Vạn Thắng của TP. Nha Trang) để giúp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật hoàn lương. Mô hình “Tuần tra nhân dân” đang được nhân rộng ở nhiều thôn, xã của các huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa đã tập hợp lực lượng thanh niên tổ chức tuần tra đêm, thức cho dân yên giấc. Mô hình “Tổ tự quản nuôi trồng thủy sản” đang được nhân rộng ở Cam Ranh, Cam Lâm và Ninh Hòa đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, giúp người dân yên tâm nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Hay “Câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội Khánh Cam 1,2” (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) với các mẹ, các chị không quản ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, để giúp đỡ những người nghiện từ bỏ tệ nạn, góp phần vào công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả. 
 
 
Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 được tổ chức điểm tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa).
Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 được tổ chức điểm tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa).
 
Ngoài ra, còn có thể kể đến mô hình “Dòng họ không có người phạm tội và tệ nạn xã hội” của dòng họ Phùng ở thôn Phong Ấp (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) đã lấy nhà thờ họ làm nơi giáo dục truyền thống, nhắc nhở con cháu phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt, người tài có ích cho xã hội. Mô hình “Gương sáng” ở xã miền núi Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) với 12 già làng có uy tín làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Mô hình “Đoàn kết, chung lòng xây dựng quê hương” ở giáo xứ Ngọc Thủy (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang); “Xóm đạo bình yên” ở các xã: Diên Xuân (Diên Khánh), Vạn Hưng (Vạn Ninh), Cam Hải Đông (Cam Lâm) đã phát huy vai trò của linh mục quản xứ và ban hành giáo trong công tác vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng đời sống văn hóa gắn với phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các khu dân cư. Đặc biệt, sự xuất hiện và phát triển nhanh của mô hình “Camera an ninh” tại các thành phố, thị xã và các khu công nghiệp trong những năm gần đây đã mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống tội phạm… 
 
Hiệu quả phong trào 
 
Lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào ở cơ sở ngày càng lớn mạnh với 145 ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh đến cơ sở; 40 ban bảo vệ dân phố với 453 tổ và 1.964 thành viên; 287 ban, tổ, đội bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp với 2.948 nhân viên; 88 đội thanh niên xung kích an ninh với 744 thành viên; 575 tổ hòa giải với 2.949 thành viên… Đặc biệt, Công an tỉnh đã hoàn thành Đề án điều động công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã với 478 cán bộ về 96 xã. Họ là những người được đào tạo, huấn luyện bài bản, có đủ bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm. Trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm truy bắt tội phạm; nhiều tấm lòng nhân ái đã tận tình cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi cải tạo tiến bộ, hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Nhiều vụ việc phức tạp về ANTT đã được hòa giải thành công, không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT. Nhiều đơn vị đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường “An toàn về ANTT” đã góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp đã tổ chức 559 buổi tuyên truyền cho 33.691 lượt người; phát 11.180 tờ rơi, 260 áp phích, 247 băng rôn, khẩu hiệu các loại; tổ chức 75 diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” với 3.725 người tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ ANTQ, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng 3.454 nguồn tin; phát hiện, tham gia bắt và vận động đầu thú 148 đối tượng có lệnh truy nã; tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa 1.472 lượt đối tượng vi phạm pháp luật, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tự giác giao nộp 174 vũ khí, vật liệu nổ, hung khí các loại.
 
Nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ năm nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị toàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa như: Tổ chức điểm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ ở 12 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố; 5 cơ quan, doanh nghiệp và 1 khu công nghiệp. Cùng với đó là chuỗi hoạt động có ý nghĩa đi kèm như: Hội nghị nhân dân hiến kế đảm bảo ANTT cho lực lượng công an; ký giao ước đạt tập thể, khu dân cư “An toàn về ANTT”; khám bệnh, phát thuốc, thăm và tặng quà cho lực lượng nòng cốt, gia đình chính sách làm nhiệm vụ ANTT ở cơ sở. Trên toàn tỉnh đã đồng loạt phát động phong trào phòng, chống tội phạm ở các địa phương và một số cơ quan, doanh nghiệp; trao tặng tài liệu phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; ra mắt 5 mô hình tự quản về ANTT mới; tổ chức nhiều diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”… 
 
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; không phát sinh các điểm nóng về ANTT ở các khu công nghiệp; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững.
 
Kỷ niệm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ năm nay, chúng ta khẳng định, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phải tiếp tục huy động được tất cả các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt phải phát huy được sức mạnh của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, do lực lượng Công an tham mưu, hướng dẫn và nòng cốt, hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc. 
 
N.T.H