11:07, 26/07/2022

Nối mãi mạch nguồn đền ơn đáp nghĩa

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ấm áp tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" ấy đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, bồi đắp thêm để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động ấm áp tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, bồi đắp thêm để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.


Năm nay chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ôn lại lịch sử, chúng ta càng tự hào về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu thành lập nước, giữa bộn bề gian khó đã sớm cụ thể hóa công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ bằng các văn bản pháp quy. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Bắc Thái để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí chọn ngày 27-7 là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của  dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975, chính thức lấy ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh Liệt sĩ” của cả nước.


Tiếp nối đạo lý truyền thống của dân tộc, trong suốt những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở của Khánh Hòa đã tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Toàn tỉnh hiện có 55.308 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, 995 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 18 Bà mẹ). Liên tục nhiều năm, tỉnh duy trì giữ vững phong trào xây dựng 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống của dân cư nơi cư trú. Năm 2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh vận động được 2,08 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có 119 căn nhà tình nghĩa được xây mới và sửa chữa. Kế hoạch năm 2022 đề ra sẽ vận động quỹ đạt 1,5 tỷ đồng để dành cho công tác chăm sóc người có công, các gia đình thương binh liệt sĩ. Phong trào nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến suốt đời luôn được duy trì tốt…


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đền ơn đáp nghĩa của cả hệ thống chính trị đang ngày một toàn diện, nề nếp và chu đáo. Các hoạt động tri ân những gia đình có công, những người đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc được tổ chức thường xuyên, liên tục trong năm. Truyền thống đạo lý của dân tộc được bồi đắp thêm, như nối dòng suối nguồn tươi mát chảy mãi theo dòng lịch sử đất nước.


KHÁNH HÒA