Sáng 29-5, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với các điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.
Sáng 29-5, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với các điểm cầu trên toàn quốc. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các hội viên nông dân đã trao đổi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề: Các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là khắc phục tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân; hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân khi tham gia Chương trình “Khởi nghiệp quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp; thường xuyên dự báo thị trường để giúp nông dân có định hướng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, tránh xảy ra tình trạng được mùa, mất giá; hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; có định hướng hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích nông dân tự nghiên cứu, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại giống chủ lực tại các địa phương để không phụ thuộc vào nguồn giống từ nước ngoài; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành nông nghiệp…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên nông dân cả nước vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và các tác động khác của thị trường quốc tế; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nông dân xây dựng phương án chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn và khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; phân tích những tác động từ bên ngoài để có giải pháp ứng phó phù hợp… Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp phải đảm bảo tính độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nông dân và những vấn đề phát triển nông nghiệp - nông thôn. Cùng với đó, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng vật tư, nông sản, không phụ thuộc vào một thị trường; kết nối chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng thúc đẩy phát triển nông nghiệp… Thủ tướng giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp gửi các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời cho nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
H.Đ