Sáng 1-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành liên quan và 7 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa về công tác ứng phó mưa lũ trong những ngày vừa qua. Đầu cầu Khánh Hòa do ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Sáng 1-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành liên quan và 7 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa về công tác ứng phó mưa lũ trong những ngày vừa qua. Đầu cầu Khánh Hòa do ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Cuộc họp đã dành nhiều thời gian để phân tích tính bất thường của đợt mưa lũ này. Đợt mưa lớn phổ biến từ 100mm-200mm, kèm theo giông lốc, gió giật mạnh trong 3 ngày qua là điều hiếm gặp và bất thường. Do đó, gây thiệt hại rất lớn, nhất là ở tỉnh Phú Yên. Thống kê sơ bộ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã có 2 người bị mất tích; hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập do giông lốc; 176 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; khoảng 2.500 ô lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng… Các địa phương và người dân đã nhanh chóng bắt tay vào việc khắc phục hậu quả.
Phát biểu tại cuôc họp, ông Đinh Văn Thiệu cho biết, trong những ngày qua, mưa lớn kèm theo giông lốc đã xảy ra trên địa bàn huyện Vạn Ninh, gây chìm 27 tàu, thuyền, trong đó có 13 tàu có chiều dài trên 6m. Đến nay đã trục vớt được 7 tàu và hoạt động trục vớt đang tiếp tục được triển khai, đối với 14 thuyền nhỏ bị chìm, ngư dân tự khắc phục. Về hoa màu, 20.000 ha lúa đông xuân hiện đã thu hoạch được 8.000 ha, một số diện tích ở Vạn Ninh bị ngập úng, thiệt hại khoảng 20%; về nuôi trồng thủy sản chưa ghi nhận thiệt hại. Hiện nay, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu về sạt lở đất, sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tiếp tục phòng ngừa khả năng sóng lớn gây thiệt hại tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản trên biển. Về lâu dài, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân nuôi biển chuyển sang lồng chất liệu HDPE với khả năng chống chịu tốt hơn với thiên tai. Khánh Hòa mong muốn các bộ ngành trung ương, Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các ngư dân có tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng do thiên tai.
Sau ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao công tác ứng phó của các địa phương, đề nghị các địa phương triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Trong đó, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, cùng nhân dân khắc phục hậu quả; căn cứ các quy định, tiến hành hỗ trợ thiệt hại cho người dân một cách kịp thời, minh bạch, chính xác. Trung ương cũng sẽ tính toán các phương án hỗ trợ.
H.Đ