Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã xem xét, thông qua 30 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo các sở về một số nội dung quan trọng.
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã xem xét, thông qua 30 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo các sở về một số nội dung quan trọng.
Quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách
Đại tá Đào Xuân Lân - Giám đốc Công an tỉnh cho biết:
Đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh có quy định: Đối với các công an viên, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục sử dụng làm công an viên để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) ở các thôn như hiện nay và giữ nguyên chế độ, chính sách đến khi có quy định mới. Tuy nhiên, đến nay, không có quy định chuyển tiếp việc tiếp tục quản lý, bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục tham gia công tác đảm bảo ANTT; nhiều công an xã bán chuyên trách đã xin nghỉ việc. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 55 công an viên bán chuyên trách đang tiếp tục tham gia công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở. Để hỗ trợ, động viên, khuyến khích lực lượng công an xã bán chuyên trách tích cực tham gia công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết quy định số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
- Xuất phát từ cơ sở nào UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét thông qua nghị quyết này, thưa ông?
- Đến nay, 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành việc bố trí công an chính quy theo Đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do địa bàn các xã rất rộng với nhiều thôn, tình hình ANTT nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn nên việc duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách tham gia hỗ trợ đảm bảo ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết; trong khi đó việc duy trì công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tiếp tục tham gia đảm bảo ANTT không làm tăng thêm biên chế.
Qua khảo sát số lượng nhu cầu cần bố trí và số công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng tiếp tục tham gia công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, toàn tỉnh có 96 xã cần bố trí công an xã bán chuyên trách ở 480 thôn; số công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng tiếp tục tham gia công tác đảm bảo ANTT của các địa phương là 392 người.
- Xin ông cho biết quy định về số lượng, mức phụ cấp đối với công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh?
- Theo nội dung nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, số lượng công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh như sau: Mỗi thôn được bố trí 1 công an xã bán chuyên trách; đối với thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT hoặc thôn thuộc xã loại 1 và xã loại 2 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được bố trí không quá 2 công an xã bán chuyên trách. Về mức phụ cấp, các đối tượng sẽ hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,7 lần mức lương cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
Đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:
- Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thảo luận, thông qua chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, với tổng mức đầu tư gần 166,9 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục chính như: Giải tỏa trong phạm vi vùng bảo vệ di tích; tu bổ, tôn tạo, phục hồi tuyến thành đất; xây mới tuyến đường lát gạch thẻ nằm ngoài theo đường ranh giới bảo vệ trong; xây dựng mới 1 cầu vòm bắc qua hào nước ở cổng phía bắc (cổng Hậu) và 5 tiểu công viên, chỉnh trang các cầu cổng Tiền, Đông, Tây; xây dựng mới hệ thống cấp nước, thoát nước cho hào nước bao quanh Thành cổ và hệ thống thu gom nước thải; xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng cho toàn bộ khu vực phía trong Thành cổ; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào. Ngoài ra, còn xây mới 1 trạm bơm để dẫn nước vào hào, lắp đặt hệ thống điện 3 pha để cấp cho trạm bơm; trồng cây xanh dọc theo một bên của tuyến đường rộng 6m theo đường ranh giới bảo vệ trong; xây dựng 3 bãi đậu xe, 2 khu vệ sinh công cộng.
- Thành cổ Diên Khánh là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Việc xây dựng phương án tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Việc xây dựng phương án tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh là phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ về lâu dài. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án lần này chủ yếu là giải tỏa trong vùng bảo vệ di tích và khôi phục lại toàn bộ tuyến thành đất, hào và một số hạng mục để phát huy giá trị, là cơ sở bước đầu cho việc nghiên cứu tổng thể về sau.
Huyện Diên Khánh đã và đang triển khai việc chuyển các trụ sở cơ quan, tổ chức đến Khu đô thị hành chính mới để tạo không gian cho nghiên cứu, quy hoạch bên trong khu vực Thành cổ, nhất là quy hoạch phát triển đô thị huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với UBND huyện Diên Khánh và các đơn vị có liên quan để nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
H.LĂNG (Thực hiện)
Nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết:
Đến ngày 31-3, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 ước đạt 14,2%. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết) giải ngân đạt 15% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt 19% kế hoạch; nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) giải ngân đạt 3% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi (nguồn vốn vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA) giải ngân đạt 2,3% kế hoạch.
- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thông qua việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, việc điều chỉnh này thực hiện theo nguyên tắc nào, thưa ông?
- Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của các chủ đầu tư, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý. Việc điều chỉnh này được thực hiện theo nguyên tắc: Giảm kế hoạch vốn năm 2022 của các dự án hết nhiệm vụ chi và từ nguồn dự phòng chưa phân bổ năm 2022 (hơn 191 tỷ đồng) để bố trí cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện (hơn 15 tỷ đồng); các dự án khởi công mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định (hơn 133 tỷ đồng); chi hỗ trợ các đối tượng chính sách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công (43 tỷ đồng).
- Xin ông cho biết những giải pháp tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022?
- Để triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tỉnh chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư để triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ dự án; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, yêu cầu thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm. Đối với các thành viên Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phải có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. UBND các huyện, thị xã, thành phố có dự án đầu tư trên địa bàn phải khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai, hoàn chỉnh phương án trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án giá đất; tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng của từng dự án đảm bảo công khai, minh bạch nhằm tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân. Các sở, ngành khẩn trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
- Xin cảm ơn ông!
BÍCH LA (Thực hiện)
Hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
Hiện nay, mỗi ngày tại các cơ sở y tế công lập có hàng trăm người có bệnh nền, người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn được điều trị Covid-19. Trước đây, Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có quy định: “Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19, từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày”. Đến nay, chính sách hỗ trợ này đã kết thúc. Trong khi đó, số người điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập vẫn còn khá nhiều. Những người này điều kiện kinh tế đã khó khăn, nay phải nhập viện điều trị càng khó khăn hơn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Ông có thể cho biết chính sách hỗ trợ như thế nào?
- Việc HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống. Đây là chính sách an sinh xã hội riêng của tỉnh, phù hợp với tình hình điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Những người nhiễm Covid-19 (F0) phải điều trị tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày; thời gian hưởng chế độ này theo thời gian điều trị thực tế của người nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập. Chính sách hỗ trợ này sẽ kéo dài đến hết ngày 31-12-2022; nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
THANH LONG (Thực hiện)
Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
- Những năm qua, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng là một trong những chính sách quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến sẽ chuyển đổi 5.809ha đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao hiệu quả canh tác.
- Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Thực hiện Nghị quyết số 26 năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 49,38 tỷ đồng cho các nội dung như: chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi tập trung, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất diêm nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cây trồng chiếm đến 96,1% tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.918ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, gồm: 334ha cây hàng năm và 1.584ha cây lâu năm (859ha sầu riêng, 355ha bưởi, 187ha xoài, 49ha chôm chôm, 35ha mít, 84ha dừa...).
Thực tế triển khai, chính sách này được người dân rất đồng tình. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong tỉnh.
- Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh. Xin ông cho biết những nội dung chính của chính sách này?
- Chính sách hỗ trợ áp dụng cho các đối tượng là cá nhân (nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hộ gia đình), tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) thực hiện chuyển đổi cây trồng tại địa bàn các xã khu vực I, II, III theo Quyết định 861 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo theo Quyết định 353 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc. Diện tích thực hiện chuyển đổi cây trồng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt.
Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau: Hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống cây trồng đạt chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình kỹ thuật; hỗ trợ 1 lần 30% chi phí vật tư xây dựng mới hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ chuyển đổi cây trồng, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ha đối với cây lâu năm, không quá 20 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm. Dự kiến sẽ có 3.157ha ở 31 địa bàn xã, thôn trên địa bàn tỉnh sẽ được thụ hưởng chính sách này.
- Xin cảm ơn ông!
H.L (Thực hiện)