Sáng 13-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sáng 13-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng tham dự làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thượng tướng Phạm Hoài Nam -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo các các bộ, ngành liên quan. Về phía tỉnh Khánh Hòa, có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành; thường trực Thành ủy, Thị ủy, huyện ủy các địa phương trong tỉnh.
Cần cơ chế để phát triển đột phá
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều phát triển. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covdi-19, nhưng tỉnh vẫn có 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 14.109,2 tỷ đồng, bằng 102,6% so với dự toán, bằng 102,1% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thấu đáo, sự phát triển của tỉnh trong những năm qua chưa bền vững, chưa có nhiều đột phá. Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch chất lượng chưa cao. Phát triển đô thị còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, trật tự xây dựng tại một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 cho thấy, đến nay tỉnh chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá, chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên… Tháng 1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 với NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành đô thị trực thuộc trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải và Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét chấp thuận chủ trương cho phép lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần thành phố Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; giao cho UBND tỉnh được tổ chức lập quy hoạch, gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định.
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành liên quan đồng ý chủ trương cho phép xây dựng 1 cảng hàng không chuyên dụng ở khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong và đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; bổ sung quy hoạch điện khí LNG và điện gió ngoài khơi (tiềm năng 2.000 MW) vào Quy hoạch Điện VIII; đầu tư các dự án về năng lượng. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn để xuất, kiến nghị một số chính sách về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án BT và an ninh quốc phòng.
Tháo điểm nghẽn để bứt phá
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao tiềm năng kinh tế biển của Khánh Hòa. Đa phần các đại biểu đều nhận thấy, nếu được đầu tư đúng mức và có những chính sách phù hợp thì trong tương lai không xa, Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Hiện còn nhiều lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Đơn cử như ở lĩnh vực du lịch, tỉnh mới khai thác tốt ở Nha Trang còn khu vực phía Bắc và phía Nam còn dư địa để phát triển du lịch rất lớn; tiềm năng cảng biển chưa được tận dụng. Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đề nghị Khánh Hòa cần đẩy mạnh phát triển về vận tải biển, nhất là ở khu vực Vân Phong; kết nối, khai thác lợi thế kinh tế theo các trục giao thông Bắc – Nam, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, Nha Trang – Đà Lạt. Sắp tới đây, khi dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Vân Phong được xây dựng, các tỉnh Tây Nguyên sẽ đẩy mạnh giao thương thông qua các cảng biển ở Vân Phong, ngay từ bây giờ phải có sự chuẩn bị để Ninh Hòa trở thành trung tâm logictics với các cảng biển ở Nam Vân Phong.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thế giới đánh giá rất cao về lợi thế cảng nước sâu ở Vân Phong, Khánh Hòa cần phải để tâm hơn nữa đến vấn đề này. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Khánh Hòa cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các dự án BT, tận dụng đất đai làm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế; bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải tính toán cơ cấu kinh tế để thích ứng với Covid-19; cần thu hút các nhà đầu tư lớn vào khu vực phía Bắc và phía Nam Nha Trang để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn tăng sức cạnh tranh cho du lịch Khánh Hòa; quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế xanh; chú trọng phát triển kinh tế kết hợp an ninh ninh quốc phòng…
Để có thể phát triển nhanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong thời gian tới, Khánh Hòa cần chú trọng đến công nghiệp sạch công nghiệp điện tử và công nghiệp hoá chất cơ bản. Lĩnh vực xuất khẩu và thương mại điện tử cũng sẽ là thế mạnh của Khánh Hoà nếu biết tận dụng hết điều kiện đang có. Đối với năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định cần phải hạn chế điện khí, đẩy mạnh điện gió, đặc biệt Khánh Hòa cần phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng sạch để phục vụ cho sự phát triển của cả quốc gia chứ không phải chỉ phục vụ địa phương. Bộ trưởng lưu ý, sau khi có quy hoạch, Khánh Hòa cần thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có hiệu quả, không phân biệt là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài…
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành trung ương đề nghị Khánh Hòa cần phải cải cách hành chính, môi trường đầu tư manh mẽ hơn nữa. Đây chính là điểm ngẽn cần phải tháo gỡ. Bộ trưởng – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị: tỉnh cần phải chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường trong phát triển; cần tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm; tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Sắp tới tỉnh sẽ có nhiều thay đổi nhưng phải cân bằng hài hòa được lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường; kinh tế kết hợp với quốc phòng; xác định được định hướng ưu tiên phát triển. Trong đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm; cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới thì mới có thể phát triển bứt phá. Khánh Hòa phải là bệ đỡ cho Tây Nguyên, là trung tâm kết nối các tỉnh Nam Trung bộ”.
Tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa và giao cho các bộ, ngành liên quan giải quyết. Để Khánh Hòa có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; mặt khác, phải tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh định hướng xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn vốn và cách quản trị từ quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh phải cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nâng cao năng lực cán bộ. Tập trung cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh cán bộ, theo tinh thần đây là khâu "then chốt của then chốt" và đầu tư cho nhân lực là đầu tư cho phát triển.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung và hoàn thành sớm công tác quy hoạch bám theo định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch đi trước một bước, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nguồn lực; tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngay sau khi có quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây; tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai ngay các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài. Cơ cấu lại thu chi cho hợp lý trong bối cảnh ngân sách có hạn, nâng tỷ lệ đầu tư cho phát triển, nhất là cho các dự án hạ tầng chiến lược. Về phát triển du lịch, cần cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với những diễn biến dịch bệnh và tình hình thế giới.
ĐÌNH LÂM - XUÂN THÀNH