Sáng 1-3, tại Khu lưu niệm di tích lịch sử Tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thị xã Ninh Hòa tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh (1-3-1968 - 1-3-2022).
Sáng 1-3, tại Khu lưu niệm di tích lịch sử Tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thị xã Ninh Hòa tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 54 năm Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh (1-3-1968 - 1-3-2022). Đến dự có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với 14 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 (thuộc đoàn tàu không số) của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh tại vùng biển Hòn Hèo, xã Ninh Vân trên đường thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những tuyến đường vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm 27-2-1968, Tàu C235 rời bến từ căn cứ A3 miền Bắc để vào Nam. Ngày 29-2, khi tàu trên đường vào bến Hòn Hèo (thị xã Ninh Hoà ngày nay), bị địch phát hiện, truy kích và bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh, mưu trí chỉ huy cho tàu đến được bến (xã Ninh Phước) và thả hàng an toàn rồi di chuyển vào Đầm Vân. Nơi đây, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều chiến sĩ hy sinh, bị thương và Tàu C235 bị hỏng máy. Để giữ bí mật con đường trên biển, thuyền trưởng quyết định rút lên bờ, chủ động cho nổ tàu vào 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968 tại bờ biển núi Bà Nam. Lúc này, một số cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 đã hy sinh, chỉ còn 9 người lên được bờ; quân địch lại tiếp tục truy đuổi nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chốt chặn, đánh trả quyết liệt và hy sinh để hỗ trợ cho các chiến sĩ còn lại rút lui về núi Hòn Hèo. Phó thuyền trưởng Đoàn Văn Nhi lên bờ bị trọng thương lần thứ 2 nên đã hy sinh.
THÁI THỊNH