UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu...
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ TN-MT tại Công văn số 950 về việc đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong việc hạn chế khai thác nước dưới đất; đồng thời, nghiên cứu, tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đúng quy định.
Theo Công văn số 950, Bộ TN-MT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau: Đối với các tỉnh đã phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất (gọi tắt là Nghị định số 167), sớm tổ chức xây dựng, phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 167, trong đó cần đảm bảo áp dụng đúng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng vùng hạn chế và từng công trình để tránh ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đối với công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp giấy phép chỉ áp dụng biện pháp hạn chế khai thác là “dừng khai thác và thực hiện xử lý, trám lấp giếng” hoặc “không gia hạn giấy phép” nếu công trình khai thác thuộc Vùng hạn chế 1 (các khu vực xảy ra sự cố sụt lún đất, nhiễm mặn, ô nhiễm... hoặc khu vực liền kề với khu vực xảy ra sự cố); còn lại nếu công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp giấy phép thuộc các Vùng hạn chế 2, Vùng hạn chế 3, Vùng hạn chế 4 thì vẫn tiếp tục được khai thác, cấp, gia hạn giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn giấy phép theo quy định. Trường hợp công trình không nằm trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì vẫn được xem xét cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện theo quy định.
Đối với các tỉnh chưa phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167: dừng việc hạn chế quyền khai thác nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân theo các văn bản, quyết định hành chính, quy hoạch cấp nước và các văn bản liên quan khác không phù hợp với quy định của Nghị định số 167. Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và xây dựng, phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ triển khai công tác bảo vệ nguồn nước dưới đất.
THÁI THỊNH