Ngày 9 và 10-1, ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chủ trì hội nghị trực tuyến ngành TAND triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Công Đường tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.
Ngày 9 và 10-1, ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao chủ trì hội nghị trực tuyến ngành TAND triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Công Đường tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.
Năm 2022, TAND Tối cao đề ra 6 nhóm giải pháp gồm: Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các TAND; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với TAND; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và tổ chức liên quan trong thực hiện các mặt công tác. Ngành phấn đấu nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ, việc; hoàn thành các dự án luật được Quốc hội giao; tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ; nghiên cứu, thực hiện hiệu quả Đề án cải cách tư pháp trong TAND; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Tòa án điện tử… Hội nghị đã quán triệt phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; thảo luận một số chuyên đề.
Năm 2021, tỷ lệ giải quyết án của các TAND đạt 81,2%. Tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động đạt 79%; giải quyết án hành chính đạt 53,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mới được 55,5%, chưa đạt chỉ tiêu của ngành. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tuy đã giảm nhưng còn cao (0,81%)...
N.V