Tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1943), đảng viên sắp tròn 55 tuổi Đảng khi Tết Nhâm Dần 2022 đã cận kề. Người cựu binh tàu không số năm xưa nay sống ở căn nhà trên đường Phan Vinh (đặt theo tên người thuyền trưởng anh hùng của tàu C235 hy sinh tại bến Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Tuy câu chuyện đời của ông giản dị nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất một đảng viên, người lính Cụ Hồ.
Tôi gặp Đại tá Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1943), đảng viên sắp tròn 55 tuổi Đảng khi Tết Nhâm Dần 2022 đã cận kề. Người cựu binh tàu không số năm xưa nay sống ở căn nhà trên đường Phan Vinh (đặt theo tên người thuyền trưởng anh hùng của tàu C235 hy sinh tại bến Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Tuy câu chuyện đời của ông giản dị nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất một đảng viên, người lính Cụ Hồ.
Tình nguyện đi B
Ở tuổi 79, người cựu binh của những đoàn tàu không số vẫn nhớ như in về đời lính của mình. Đầu năm 1964, khi đang học lớp 8 Trường cấp 3 huyện Tiền Hải, Thái Bình, ông Tuyên tình nguyện nhập ngũ dù thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự (có hai anh trai ở chiến trường). “Đó là thời kỳ cả nước bừng bừng khí thế ra trận, khát vọng của tuổi trẻ khi ấy là được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên tôi không muốn đứng ngoài cuộc. Tôi lẳng lặng nhập ngũ, gửi bạn mang lá thư về nhà động viên bố mẹ yên tâm”, ông Tuyên nhớ lại.
Sau 4 tháng huấn luyện ở Tiên Yên, Quảng Ninh, người lính trẻ Nguyễn Văn Tuyên viết đơn tình nguyện đi chiến đấu ở chiến trường B và được điều về Khu quân sự Đồ Sơn. Sau 2 tháng huấn luyện thêm các kỹ chiến thuật, tháng 8-1964, ông Tuyên cùng hai đồng chí nữa được điều về Tàu 41 của Đoàn 125. Đến lúc ấy, ông mới biết mình tham gia nhiệm vụ đặc biệt “vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam” bằng đường Hồ Chí Minh trên biển.
Từ tháng 8-1964 đến tháng 3-1965, ông cùng đồng đội trên Tàu 41 đã đi được 5 chuyến thành công, trong đó đáng nhớ nhất là 3 chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô, Phú Yên để “tiếp lửa” cho khu V. Sau sự kiện bến Vũng Rô bị lộ, ông Tuyên cùng đồng đội trên Tàu 41 tiếp tục tham gia chuyến đi trinh sát để tìm hướng đi mới cho đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đầu năm 1967, ông Tuyên được cấp trên điều về bờ, ôn văn hóa để đi học nước ngoài, khép lại những năm tháng gian khổ, hào hùng trên những chuyến tàu không số. Trong những ngày bồi dưỡng văn hóa ở Hải Phòng, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. “Ngày 11-4-1967, tôi được kết nạp Đảng ở Đoàn 125 ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Giây phút tuyên thệ, nhìn cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, tôi run lên vì xúc động vì cuối cùng mình cũng hoàn thành ước nguyện được đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Tuyên nhớ lại.
Đảng viên gương mẫu
Chuyện gian nguy trên những chuyến tàu không số đưa vũ khí vào Nam; những lần giả dạng tàu cá để vượt qua con mắt soi mói của địch; lần tàu bị mắc cạn ở Cà Mau, hay chuyện mạnh dạn giấu tàu ở lại Vũng Rô trong chuyến đi mở đường đêm 28-11-1964 thật sự rất hấp dẫn. Nhưng dẫu sao đó cũng là thành tích tập thể, điều chúng tôi tò mò đó là chuyện một người đang học lớp 8 lại có thể đủ trình độ đi học nước ngoài?
Một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời lính của Đại tá Nguyễn Văn Tuyên là chuyến đi thứ 3 của Tàu 41 vào bến Vũng Rô. Tàu giao nhận hàng đúng đêm giao thừa Tết 1965. Từ khoang báo vụ, chiếc radio vang lên lời chúc Tết của Bác Hồ. Trong không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thay mặt anh em thủy thủ trên tàu chúc Tết cán bộ và nhân dân địa phương nhân dịp đầu xuân… Khi mọi người đang bịn rịn chia tay, cô giao liên trẻ xuất hiện và trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh một nắm đất bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay cùng lời nhắn gửi: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Dù giặc càn quét, lùng sục gắt gao, nhân dân nơi đây vẫn một lòng, một dạ vững tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, quyết đuổi sạch bóng quân thù”. |
Hỏi chuyện mới biết, trong những ngày tháng huấn luyện, những ngày nằm bờ xen giữa các chuyến đi biển đầy cam go và thử thách, người lính trẻ Nguyễn Văn Tuyên vẫn không quên chuyện đèn sách, bởi anh biết rằng nếu chiến thắng trở về, người lính cần phải có kiến thức để xây dựng đất nước. Ngày ông nhập ngũ, thầy giáo có tặng ông bộ sách giáo khoa lớp 9. Ông tự học hết kiến thức lớp 9 nên khi về bờ chỉ cần bổ túc lớp 10 là đủ để thi tốt nghiệp, rồi đi học nước ngoài. Tháng 10-1968, ông Tuyên được đi học ở Trường Cao đẳng Hải quân Baku, Liên Xô (cũ). Những ngày tháng ở nước ngoài, vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, ông Tuyên luôn nỗ lực học tập, đạt được thành tích rất tốt. “Trong khi bạn bè vẫn đang chiến đấu, mình được cấp trên cử đi học, bản thân là đảng viên nên dù khó khăn bao nhiêu đi nữa cũng phải vượt qua”, ông Tuyên nhớ lại.
Cuối năm 1974, ông Tuyên hoàn thành nhiệm vụ học tập trở về, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư hàng hải. Đầu năm 1975, ông theo sau các chiến dịch vào tiếp quản Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu… Năm 1978, khi đang là thuyền phó của tuần dương hạm Phạm Ngũ Lão, ông Tuyên được điều về Học viện Quốc phòng ôn luyện rồi sang Nga học nghiên cứu sinh. Về nước năm 1982, ông được điều vào Học viện Hải quân (Nha Trang) giữ chức Trưởng khoa Hàng hải rồi công tác cho đến ngày nghỉ hưu ở chức vụ Phó Giám đốc Học viện Hải quân.
Năm 2016, khi có ý định chuyển nhà, tình cờ có người giới thiệu cho ông Tuyên mảnh đất ở đường Phan Vinh. Là lính của tàu không số, ở trên đường mang tên người anh hùng của đoàn tàu không số, một cái kết không thể đẹp hơn nên ông gật đầu ngay. Các con của ông cũng vui mừng khi gia đình được sống trên con đường mang tên thuyền trưởng tàu C235 - người anh hùng mà họ từng nghe ông kể khi còn nhỏ.
Trong ngôi nhà trên đường Phan Vinh, Đại tá Nguyễn Văn Tuyên có nói rằng, chuyện đời mình cũng bình thường như bao người lính khác, nhưng với tôi vậy là đủ. Qua câu chuyện, ông Tuyên đã cho tôi được sống với quá khứ những năm tháng hào hùng của dân tộc. Và ông cho tôi thấy được sự trung thực, bản lĩnh của một đảng viên, người lính Cụ Hồ.
XUÂN THÀNH