10:12, 10/12/2021

Xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng

Trong chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII xem xét, thông qua 35 nghị quyết; đồng thời nghe Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. 

Trong chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII xem xét, thông qua 35 nghị quyết; đồng thời nghe Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở về một số nội dung quan trọng.

 

Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm

 

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020”, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát ở một số địa phương, đơn vị và tiến hành giám sát đối với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan về công tác này. Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết:

 

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

 

- Qua giám sát cho thấy, việc thi hành các văn bản của Trung ương và việc ban hành văn bản của UBND tỉnh trong thực hiện quy định của Nhà nước về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được tỉnh chú trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, công tác này đã được triển khai khá toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong giai đoạn tới.


- Từ thực tế giám sát, xin bà cho biết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua?


- Hiện nay, công tác tổ chức đào tạo văn hóa cấp THPT song hành với học nghề trình độ trung cấp được xem là giải pháp quan trọng trong tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và thu hút học sinh vào giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chính sách phân luồng học sinh THCS vào học trung cấp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, việc xây dựng chương trình đào tạo trung cấp chỉ có 2 năm sẽ không đảm bảo được việc bố trí thời gian học văn hóa chương trình THPT là 3 năm. Bên cạnh đó, tại các trường trung cấp nghề dân tộc nội trú, học sinh vừa học trung cấp vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các em chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ học bổng 2 năm học trung cấp kết hợp với học văn hóa lớp 10 và lớp 11; sau khi tốt nghiệp trung cấp, học năm thứ 3 chương trình lớp 12 thì các em không còn được hưởng chính sách hỗ trợ học bổng.


Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các trường trung cấp nghề cấp huyện với doanh nghiệp trong đào tạo nghề còn khó khăn; học sinh tại các trường trung cấp nghề không có điều kiện thực hành đối với các nghề đòi hỏi có sự đầu tư cơ sở vật chất nhiều như: dịch vụ nhà hàng, khách sạn… Trong khi đó, công tác giải quyết việc làm cho đối tượng là người dân tộc thiểu số sau khi đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững do tâm lý, tập quán của đồng bào ngại đi làm xa, không có tác phong công nghiệp…


- Trước những khó khăn này, đoàn giám sát có kiến nghị gì đối với Trung ương và UBND tỉnh, thưa bà?


- Để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và học trung cấp, thực hiện tốt công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người học; xem xét sửa đổi Điều 33 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế từ 1 đến 2 năm thành từ 1 đến 3 năm.


Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát hệ thống văn bản liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tham mưu trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế đối với các văn bản hết hiệu lực hoặc ban hành văn bản để thực hiện văn bản của Trung ương. Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc làm của giai đoạn 2015 - 2020, định hướng thực hiện cho giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn mới nhằm đạt được kết quả tốt nhất. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường trung cấp, nhất là trường trung cấp nghề ở các địa phương miền núi trong liên kết, phối hợp đào tạo và giải quyết việc làm; hỗ trợ cho đối tượng học sinh lớp 12 tại các trường trung cấp nghề dân tộc nội trú ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh để các em được hưởng học bổng chính sách như học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.


- Xin cảm ơn bà!


Thanh Long (Thực hiện)

 




Dành gần 20.612 tỷ đồng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có một số điều chỉnh. Tổng số vốn nhà nước đầu tư cho 5 năm tới gần 20.612 tỷ đồng, giảm 301,44 tỷ đồng so với Nghị quyết số 53 ngày 29-6-2021 của HĐND tỉnh. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương 15.301,2 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (vốn trong nước) sẽ bố trí 3.677,8 tỷ đồng, phần còn lại từ các nguồn vốn khác.

 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

- Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Việc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện đúng nguyên tắc lập kế hoạch trung hạn; sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong trung hạn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong 5 năm…


Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý sẽ được phân bổ cho các dự án theo ngành, lĩnh vực, các dự án lớn, dự án kết nối liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương thực hiện các dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở giáo dục, các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng chuẩn nông thôn mới, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra sẽ dự phòng vốn chưa phân bổ để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn.


Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương do cấp tỉnh quản lý, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng sẽ được phân bổ theo ngành, lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên bố trí dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới cấp thiết do cấp tỉnh, huyện quản lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


- Để sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tỉnh sẽ có những giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?


- UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với danh mục dự án khởi công mới, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định của Luật Đầu tư công, nghị định của Chính phủ để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn hàng năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định sau khi Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Các sở: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện thủ tục về thu hồi đất, bán đấu giá, xác định giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện bán đấu giá: 3,36ha tại khu kho cảng Bình Tân, các phòng khám đa khoa khu vực Nha Trang, 22 lô đất tại khu tái định cư Vĩnh Thái; hoàn thành công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2021 để bổ sung nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành xây dựng phương án thu tiền sử dụng đất hàng năm. Trên cơ sở phương án được duyệt và hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất của Sở TN-MT, Sở Tài chính (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định giá đất) sẽ tổ chức thẩm định trước khi Sở TN-MT trình UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp phát sinh số thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh, Sở Tài chính sẽ tổng hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển từ số thu này.


Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND cấp huyện (bao gồm cấp xã) thực hiện theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, chương trình tương ứng với số vốn phân cấp được phân bổ và số vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách để tiến hành xây dựng công trình…


- Xin cảm ơn ông!


Đình Lâm (Thực hiện)

 



Ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021 - 2030


HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh giai đoạn 2021-2030. Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

 

Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ
Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ

 

Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm xây dựng thế hệ thanh niên tỉnh Khánh Hòa phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe, lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, của đất nước và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Chương trình đã đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể hàng năm về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên; giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.


- Để đạt được mục tiêu, chương trình đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?


- Trong giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phát triển thanh niên tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thanh niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật về thanh niên; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn thể về công tác thanh niên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện chương trình.


Cùng với đó, chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về tập trung đổi mới hình thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh niên học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo ngoại ngữ trên mạng Internet nhằm tạo điều kiện để thanh niên là học sinh các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận, học tập miễn phí. Đồng thời, triển khai cơ chế hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu với các tổ chức kinh tế hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dự báo thị trường trong ngắn và dài hạn; tổ chức các cuộc thi tay nghề, sáng kiến cho thanh niên. Bên cạnh đó, sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ về việc làm và khởi nghiệp; định hướng và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý cho thanh niên; đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao, công trình phúc lợi xã hội cho thanh niên; trong đó chú trọng đối tượng thanh niên di cư, thanh niên công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.


- Xin cảm ơn bà!


Bích La (Thực hiện)

 




Tiếp tục hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh tim


Nhằm tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh, tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

 

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

 

- Để hỗ trợ cho trẻ em bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khám sàng lọc để kịp thời phát hiện những trường hợp cần phải phẫu thuật, điều trị bệnh tim; tiếp nhận, phân loại hồ sơ đối tượng; kết nối vận động các đơn vị tài trợ để hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, điều trị bệnh tim cho trẻ em. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 70 em bị bệnh tim thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kinh phí gần 6,2 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí bảo hiểm y tế chi trả) để được phẫu thuật, điều trị kịp thời.


- Xin ông cho biết đối tượng trẻ em được hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh tim trong giai đoạn 2021 - 2025?


- Đối tượng trẻ em được hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh tim theo nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua là trẻ em có thẻ bảo hiểm y tế, có đầy đủ hồ sơ khám, chữa bệnh tim đúng tuyến theo quy định (ngoài các đối tượng được quy định tại Quyết định số 55a năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ); thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số hoặc trẻ em thuộc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải chữa bệnh lâu dài có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.


- Chế độ hỗ trợ cho các em được quy định như thế nào, thưa ông?


- Đối với hỗ trợ chi phí cho 1 lần khám, điều trị, làm các xét nghiệm có liên quan đến phẫu thuật tim và chi phí phẫu thuật tim tại cơ sở khám, chữa bệnh, sau khi trừ các chi phí do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và nhà tài trợ hỗ trợ (nếu có), phần còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% đối với trẻ em là người dân tộc thiểu số; ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, gia đình đảm nhận 50% đối với trẻ em thuộc đối tượng gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải chữa bệnh lâu dài, có xác nhận của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền ăn mức 50.000 đồng/trẻ/ngày, theo số ngày thực tế khám, phẫu thuật, điều trị (tối đa không quá 15 ngày) và được hỗ trợ tiền đi lại 2 lượt (đi và về) theo giá phương tiện công cộng thông thường. Nguồn kinh phí hỗ trợ này sẽ được ngân sách tỉnh cấp hàng năm thông qua Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)

 




Sẽ đầu tư tu bổ, tôn tạo 11 di tích cấp tỉnh


Hiện nay, nhiều di tích cấp tỉnh tại các địa phương đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tu bổ 11 di tích cấp tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

 

- 11 di tích sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2023 gồm: Đền Hùng Vương (TP. Nha Trang); di tích trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi, đình Mỹ Thanh, đình Trà Long (TP. Cam Ranh); đình Thanh Minh (huyện Diên Khánh); đình Quang Đông, miếu Hội Đồng, đình Phong Thạnh, đình Thanh Châu (thị xã Ninh Hòa); đình Lập Định (huyện Cam Lâm) và đình Tân Mỹ (huyện Vạn Ninh).


- Các di tích này sẽ được đầu tư tu bổ những hạng mục chính gì, thưa ông?


- Đối với di tích đền Hùng Vương tập trung tu bổ, phục hồi các cấu kiện, thành phần kiến trúc bị hư hỏng như: chính điện, miếu thờ, hội trường, công trình phụ, tường rào, mái hiên, nền sân và sửa chữa hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư 1,42 tỷ đồng. Đối với di tích trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi sẽ tu bổ, phục hồi hệ thống mái, trần nhà, tường nhà, cửa đi và cửa sổ, cải tạo, sửa chữa khu vệ sinh, nền nhà, chống mối mọt, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư 1,27 tỷ đồng. Đối với các di tích đình Trà Long (tổng mức đầu tư 1,29 tỷ đồng), đình Mỹ Thanh (tổng mức đầu tư 1,24 tỷ đồng), đình Quang Đông (tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng), đình Phong Thạnh (tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng), đình Lập Định (tổng mức đầu tư 1,05 tỷ đồng), đình Tân Mỹ (tổng mức đầu tư 2,57 tỷ đồng), đình Thanh Minh (tổng mức đầu tư 2,1 tỷ đồng), miếu Hội Đồng (tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng), đình Thanh Châu (tổng mức đầu tư 2,95 tỷ đồng): sẽ tập trung tu bổ, phục hồi hệ thống chính điện, tiền tế, miếu tiền hiền, mái hiên, phòng, chống mối mọt, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật...


- Xin cảm ơn ông!


ĐÌNH LÂM  (Thực hiện)


 


 

Bổ sung 10 điểm mỏ vào quy hoạch khoáng sản 
 
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong những năm gần đây với hàng loạt dự án lớn thi công lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khiến nhu cầu về khoáng sản tăng cao, đòi hỏi cần bổ sung các điểm mỏ mới để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của các công trình, đặc biệt là những công trình trọng điểm.
 
 
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
 
- Xin ông cho biết cụ thể hơn về nhu cầu cấp bách này?
 
- Sau khi được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 17/2017/NQ-HĐND về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 4-1-2018 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản phù hợp với quy hoạch để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng quản lý cấp phép thăm dò, khai thác và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu về khoáng sản đối với các dự án trên địa bàn tỉnh... Song, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quôc hội, Chính phủ như tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (đoạn Nha Trang - Cam Lâm chuẩn bị khởi công) do đó nhu cầu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng rất lớn, qua rà soát, dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm thiếu gần 4,7 triệu m3 đất san lấp.
 
- Nguyên nhân chính của việc thiếu mỏ khoáng sản để cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường là do thời điểm lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa tính đến phương án quy hoạch mỏ khoáng sản làm vật liệu cung cấp vật liệu cho các dự án lớn, đòi hỏi số lượng lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ nhu cầu làm vật liệu san lấp cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ là hết sức cần thiết và cấp bách. 
 
- Để đáp ứng nhu cầu thực tế, thời gian tới UBND tỉnh dự kiến bổ sung bao nhiểu điểm mỏ thưa ông?
 
- Nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách, UBND tỉnh làm tờ trình trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, sẽ bổ sung 10 điểm mỏ vào danh mục các khu vực khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 237,9 ha, trữ lượng dự kiến khoảng 10.948.000m3. Các điểm mỏ bổ sung phân bố ở huyện Cam Lâm, huyện Diên Khánh và  TP. Cam Ranh.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Đình Lâm (thực hiện)