Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, trong đó nêu rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, trong đó nêu rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này đã kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hơn nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đồng thời cũng mở đường để từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm.
Khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức” thực ra không mới. Tuy nhiên, việc thực hiện thì chúng ta mới chỉ quen với việc “miễn nhiệm”. Nhưng, ngay cả việc miễn nhiệm, chúng ta chủ yếu thực hiện khi cán bộ được điều động, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn hoặc khi thay đổi vị trí công tác. Còn vấn đề “từ chức” thì rất ít khi chúng ta thấy cán bộ cảm thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ mà từ chức. Trường hợp “từ chức” chỉ thỉnh thoảng thấy trong lĩnh vực thể thao, nhất là bóng đá, nếu đội bóng thi đấu bết bát thì huấn luyện viên xin từ chức. Mấy năm trước có trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh xin từ chức vì không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè. Vì vậy, có người nói ở Việt Nam chưa có văn hóa “từ chức”. Trong các cuộc họp Quốc hội cũng có nhiều đại biểu luôn kiến nghị phải có “văn hóa từ chức”.
Tuy nhiên, lần giở lại lịch sử của Đảng thì không phải chúng ta không có văn hóa từ chức. Còn nhớ, năm 1956, sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh đã rời khỏi chức vụ Tổng Bí thư (thực chất là đồng chí xin từ chức). Nhưng đối với một người hoạt động cách mạng có lý tưởng cộng sản như Tổng Bí thư Trường Chinh mà phải rời khỏi chức vụ là rất đau xót. Chính vì vậy, sau đúng 30 năm, vào năm 1986, lịch sử đã chứng minh sự phấn đấu của đồng chí Trường Chinh khi ông được Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương (ngày 14-7-1986) bầu làm Tổng Bí thư, khởi động cho công cuộc đổi mới đất nước.
Ngày 2-10-2009, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 260 về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Tuy nhiên, do quy định còn chung chung, thiếu chế tài cụ thể nên việc thực hiện chưa thường xuyên và không hiệu quả.
Vậy, Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lần này có gì mới và khác so với Quy định số 260? Trước hết, về khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức”, quy định mới bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”, như vậy không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm thì cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét tiến hành miễn nhiệm hoặc cho từ chức khi có đủ căn cứ. Đồng thời, không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có 6 căn cứ miễn nhiệm và 4 căn cứ từ chức. Cụ thể, 6 căn cứ miễn nhiệm là: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút; bị khiển trách 2 lần trong một nhiệm kỳ hoặc trong một thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; có 2 năm liên tiếp xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm; bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị và bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. 4 căn cứ từ chức là: Do hạn chế về năng lực, không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Đặc biệt, Quy định số 41 đã đưa ra 3 căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu đó là: Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Quy định số 41 cũng nêu rõ quy trình, thời gian, cấp thẩm quyền xem xét miễn nhiệm hoặc cho cán bộ từ chức.
Như vậy, có thể thấy, qua 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII, nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng hoàn thiện và đáp ứng kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước. Quy định số 41 có thể được coi là bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Bởi vì, từ nay sẽ không còn những khái niệm chung chung, những đánh giá không sát với năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ. Đặc biệt, quy định này nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, nên sẽ không còn tình trạng cơ quan, đơn vị yếu kém, xảy ra tham ô, tham nhũng, sai phạm mà người đứng đầu vẫn “vô can”, vẫn được thăng quan, tiến chức.
KIÊN ĐỊNH