UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ (cơ quan thường trực) cho biết:
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Bà Trần Thu Mai - Giám đốc Sở Nội vụ (cơ quan thường trực) cho biết:
Kế hoạch bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động ổn định; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
- Xin bà cho biết, những mục tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2025?
- Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% công chức, viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức và theo vị trí việc làm được phê duyệt. 90% công chức, viên chức và 80% cán bộ, công chức cấp xã được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận chính trị tương ứng chức danh được quy hoạch. 85% lao động qua đào tạo; 31% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 12,5 bác sĩ (10 bác sĩ công lập)/10.000 dân.
- Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương như thế nào, thưa bà?
- Sở Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp thuộc khối quản lý nhà nước, viên chức khối hành chính sự nghiệp. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng, đoàn thể; đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan bồi dưỡng kiến thức dân tộc; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và 4 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp khảo sát, lập kế hoạch nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng hoạt động theo ngành, lĩnh vực. Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong chủ trì, phối hợp định hướng ngành nghề để chuẩn bị nguồn nhân lực cho một số dự án trọng điểm tại Khu Kinh tế Vân Phong.
Các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nâng cấp, chuẩn hóa chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra của học viên. Các cơ quan chủ trì phối hợp phân bổ chỉ tiêu đào tạo theo năng lực từng cơ sở đào tạo.
Các cơ quan chủ trì công khai dự báo nhu cầu nhân lực; công khai số người đang được đào tạo nghề, dự kiến số tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đào tạo hàng năm. Các cơ quan chủ trì hoặc phối hợp thực hiện kiểm soát, đánh giá chất lượng nhân lực sau đào tạo theo chức năng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, tổng hợp, đánh giá cân đối cung cầu lao động; kết hợp đánh giá tình hình lao động có việc làm mới hoặc mất việc trong năm; từ đó báo cáo để điều chỉnh kịp thời về quy mô, chỉ tiêu đào tạo, tiêu chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo…
- Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VŨ (Thực hiện)