Chiều 20/7, với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Chiều 20/7, với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Ngay sau khi công bố kết quả biểu quyết, ông Vương Đình Huệ đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XV. Đồng thời chia sẻ “đây vừa là vinh dự, vừa là trọng trách nặng nề đối với cá nhân tôi”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cam kết: “Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chặng đường phát triển vẻ vang 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định là nơi tập trung trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, luôn hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình.
“Ý thức sâu sắc được điều đó, cá nhân tôi sẽ cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội nguyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu không ngừng, cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, phát huy dân chủ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan; củng cố niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các nhân sỹ trí thức, bạn bè quốc tế, cùng sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí. Với sức mạnh tổng hợp to lớn đó, tôi tin tưởng rằng Quốc hội Việt Nam khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Họ và tên:
VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Tên thường gọi: Vương Đình Huệ
Ngày sinh: 15/03/1957
Quê quán: xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Không
Ngày vào Đảng: 09/03/1984. Ngày chính thức: 09/9/1985
Trình độ được đào tạo:
- Giáo dục phổ thông: 10/10 phổ thông
- Chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sỹ Kinh tế
- Học vị: Tiến sỹ Kinh tế
- Học hàm: Giáo sư
- Lý luận chính trị: Cao cấp
- Ngoại ngữ: Anh C, Nga C, Tiệp Khắc D
Khen thưởng:
- Hai Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2009, 2015); Huân chương Lao động hạng Nhì (2005); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001);
- Huân chương Isala (Độc lập) hạng Hai của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2013); Huân chương Isala (Độc lập) hạng Nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2017)
- Nhà giáo ưu tú (năm 1988); Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (năm 2014)
Chức vụ:
- Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII
- Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV
- Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ 31/3/2021)
- Từ tháng 4/2021, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Đảng đoàn Quốc hội
- Chủ tịch Quốc hội khóa XV
- Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng (thuộc đơn vị bầu cử số 1)
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC:
-Từ 1979-1985: Giảng viên Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính)
-Từ 1986-1990: Nghiên cứu sinh tại Bratislava (Slovakia)
-Từ 1991-2001: Giảng viên, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính).
-Từ 2001-2006: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
-Từ 2006-2011: Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Tổng Kiểm toán Nhà nước
-Từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2013: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa XIII (từ 7/2011)
-Từ 12/2012-1/2016: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa XIII
-Từ 1/2016-4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIII
-Từ 4/2016-2/2020: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (tháng 6/2016), Đại biểu Quốc hội khóa XIV (từ 7/2016)
-Từ 2/2020-3/2021: Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
-Từ ngày 31/3/2021: Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia
-Ngày 20/7/2021: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV./.
|
Kim Thanh
Nguồn: dangcongsan.vn