10:07, 15/07/2021

Một dấu son sáng ngời

Ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, cuộc biểu tình của nhân dân huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) đã giành được thắng lợi, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa...

Ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, cuộc biểu tình của nhân dân huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) đã giành được thắng lợi, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.
 
Cuộc biểu tình hừng hực khí thế
 
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở Đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định khá nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình đấu tranh phối hợp theo chủ trương của Trung ương Đảng.
 
Ngày 12-7-1930, Tỉnh ủy chỉ thị chính thức cho Đảng bộ huyện Tân Định tổ chức cuộc biểu tình. Huyện ủy liền triệu tập các bí thư khu vực đến nhà đồng chí Lê Dung (nay là nhà số 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) họp từ nửa đêm 13-7 đến sáng 14-7. Đồng chí Đỗ Long, Tỉnh ủy viên được phân công về Tân Định để cùng với đồng chí Lê Dung chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Hội nghị đã nghe đồng chí Đỗ Long, Lê Dung truyền đạt chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy và bàn kỹ về các biện pháp tập hợp lực lượng quần chúng, địa điểm tập trung, ngày, giờ xuất phát; phân công đồng chí Dương Chước dẫn đầu cuộc biểu tình, đồng chí Nguyễn Thế phụ trách tự vệ và dự bị chỉ huy đề phòng trường hợp đồng chí Dương Chước bị địch bắt. 
 

 

1
Ôn lại truyền thống cách mạng bên Tượng đài 16-7 (Ninh Hòa).

 

Để bảo đảm thắng lợi, Hội nghị chủ trương huy động tất cả hội viên trong các hội quần chúng trên địa bàn toàn huyện tham gia, qua đó lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện hưởng ứng. Cuộc biểu tình sẽ được tổ chức vào ngày 16-7-1930. Theo kế hoạch, lực lượng quần chúng các khu vực bí mật tập trung về một địa điểm thống nhất là chân núi Ổ Gà phía đông làng Cây Chò (thuộc làng Văn Định Thượng, xã Ninh Đông ngày nay), từ đó hợp thành lực lượng có tổ chức kéo vào phủ đường Tân Định.

 
Đúng 5 giờ ngày 16-7-1930, đông đảo đồng bào các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại vùng núi Ổ Gà phía đông làng Cây Chò rồi xuống đường kéo vào huyện lỵ. Đoàn biểu tình xếp thành hàng 5, đi đầu là 5 phụ nữ: Bà Nguyễn Thị Miến, Nguyễn Thị Chuột, Nguyễn Thị Thích, Mai Thị Tý và Huỳnh Thị Sương. Các bà thay phiên nhau cầm cờ, đánh trống lệnh. Đi sau là công nhân làm muối, đánh cá, nông dân, thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ... Đoàn biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Lúc đến huyện lỵ Tân Định, số người đã trên 1.000 người. Khẩu hiệu với nội dung: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đả đảo khủng bố”, “Giảm sưu, giảm thuế, bỏ thuế chợ, tăng giá lúa”, “Ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh”, “Ủng hộ Liên bang Xô Viết” được hô vang và liên tục theo trống lệnh. Khi đi qua đồn lính khố xanh, bọn lính hoảng hốt không kịp ngăn chặn, đoàn biểu tình hùng dũng kéo vào bao vây huyện đường, phá nhà giam, thả tù chính trị, đưa yêu sách. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, run sợ, phải cúi đầu chấp nhận ký vào bản yêu sách cách mạng của nhân dân. Thừa thắng, đoàn biểu tình tỏa về các ngả đường biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp đoạt. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, kết thúc thắng lợi cuộc biểu tình.
 
Ý nghĩa lịch sử 
 
Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 của nhân dân huyện Tân Định chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai là cuộc biểu tình có tính chính trị và quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ đã giành được thắng lợi; nối tiếp cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động (1-5) của công nhân Trường Thi, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An), góp phần châm ngòi nổ cho cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931. 
 
Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, hòa vào trào lưu chung của phong trào cách mạng cả nước, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.
 
Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 tuy diễn ra trên địa bàn huyện Tân Định nhưng do Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa lãnh đạo, tổ chức, khẩu hiệu đấu tranh có tính chất chính trị rộng lớn vừa hướng tới mục tiêu chung, lâu dài của cách mạng, vừa đề cập những vấn đề mang tính cụ thể, cấp bách trước mắt. Vì vậy, đã đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của quần chúng, đó là chống lại ách thống trị tàn bạo, khắc nghiệt của bọn thực dân, phong kiến, đòi cải thiện dân sinh, thực hiện dân chủ… nên thu hút đông đảo nhân dân lao động tham gia.
 
Tinh thần cách mạng cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, gương chiến đấu của những người đảng viên Đảng Cộng sản và quần chúng giác ngộ luôn được tỏa sáng và có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiện nay và các thế hệ mai sau. 
 
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17-12-2002, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định lấy ngày 16-7 hàng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
 
Phát huy truyền thống cách mạng
 
Phát huy tinh thần ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân trong tỉnh tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến và đế quốc xâm lược. Vượt qua những mất mát, đau thương, quân và dân Khánh Hòa luôn một lòng theo Đảng, kiên cường, bền bỉ chiến đấu và đã góp phần xứng đáng cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Sau ngày giải phóng, đặc biệt, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Khánh Hòa đã đạt được thành tựu quan trọng, nổi bật về phát triển kinh tế; trong 10 năm trở lại đây, tỉnh giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực xã hội được khai thác, phát huy hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, quy mô GRDP của Khánh Hòa xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (trong đó, quy mô ngành dịch vụ xếp thứ 12/63); xếp thứ 4/14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung; xếp thứ 3/8 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người xếp trong khoảng từ 14-17/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và xếp thứ 3/8 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; tiếp tục duy trì là một trong 16 tỉnh có đóng góp vào ngân sách Trung ương...
 
6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, chủ động của UBND tỉnh, sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, GRDP của tỉnh tăng 0,49%, đây là mức tăng trưởng dương đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững. 
 
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã đạt được kết quả tích cực. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào nề nếp, góp phần  nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đặc biệt, cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh càng khẳng định niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.
 
Phát huy truyền thống cách mạng, giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
T.K (Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)