10:03, 25/03/2021

Triển vọng hợp tác Khánh Hòa - Ấn Độ

Ngày 25-3, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến hợp tác Khánh Hòa - Ấn Độ...

Ngày 25-3, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến hợp tác Khánh Hòa - Ấn Độ. Tham dự tại các điểm cầu Việt Nam có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ngài Pranay Verma - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam; ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu Ấn Độ có ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan cùng các doanh nghiệp Ấn Độ.
 
Kết quả bước đầu
 
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Tôi hi vọng thông qua hội thảo này, các nhà đầu tư Ấn Độ sẽ thấy rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh và khả năng hợp tác với tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư và tình hình phát triển của các khu công nghiệp, định hướng đầu tư của tỉnh.  Hội thảo này là cầu nối để doanh nghiệp 2 bên liên kết, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư và nâng kim ngạch thương mại của Khánh Hòa - Ấn Độ nói riêng, Việt Nam  Ấn Độ nói chung trong thời gian tới”.
 
Tại hội thảo, cả Khánh Hòa và Ấn Độ đều nêu được thế mạnh, những lĩnh vực có thể xúc tiến hợp tác của 2 bên. Đối với Khánh Hòa, mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh và Ấn Độ trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, trên các lĩnh vực: Thương mại, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, văn hóa… Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 862.200 USD; kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ 9.123.400 USD. Giai đoạn 2015 - 2021, Khánh Hòa đã nhận được nguồn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Ấn Độ với tổng trị giá 5,3 triệu USD để xây dựng Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ - Trường Đại học Thông tin liên lạc. Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Chính phủ Ấn Độ đã dành nhiều suất học bổng cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Về văn hóa, tỉnh đã 3 lần phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công sự kiện “Ngày Yoga quốc tế” (từ năm 2016 - 2018), thu hút đông đảo người dân và du khách quan tâm, cổ vũ.
 
Tuy nhiên, ngài Pranay Verma đánh giá, kết quả hợp tác đầu tư chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có của 2 bên. “Chúng tôi xác định Khánh Hòa có vai trò rất lớn trong hợp tác đối với Ấn Độ. Thực tế Việt Nam - Ấn Độ đang có sự phát triển mạnh mẽ nên cần đẩy sự hợp tác lên tầm cao mới. Các lĩnh vực: Công nghệ, du lịch, tâm linh, giáo dục, y tế là những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác. Mong rằng, hội thảo này sẽ là khởi đầu cho sự hợp tác của doanh nghiệp Khánh Hòa và Ấn Độ” - ngài Pranay Verma bày tỏ.
 
Kết nối hợp tác đầu tư
 
Tại đầu cầu Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cũng xác định Nha Trang - Khánh Hòa có thế mạnh du lịch; hệ thống hạ tầng du lịch phát triển với nhiều cơ sở lưu trú đẳng cấp. Vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường khách du lịch Ấn Độ lại mang những đặc điểm tích cực như: Đi du lịch theo đoàn với số lượng lớn, ở dài ngày, chi tiêu nhiều. Khách Ấn Độ cũng rất ưa chuộng tổ chức đám cưới kết hợp du lịch. Đại sứ quán Việt Nam đã mang đám cưới tỷ phú Ấn Độ tới Phú Quốc, Đà Nẵng và Quảng Ninh nên rất mong lãnh đạo tỉnh quan tâm thúc đẩy lĩnh vực này. Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ để đưa các vịnh biển đẹp như Nha Trang và Vân Phong trở thành điểm đến của khách Ấn Độ.

 

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
 
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Ấn Độ là cường quốc về công nghệ thông tin và các dịch vụ tiện ích số, nếu Khánh Hòa mong muốn số hóa, Ấn Độ có thể là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Hiện tại, Đại sứ quán đã hỗ trợ Tập đoàn giải pháp công nghệ HCL (Ấn Độ) đầu tư và hoạt động tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm lớn nhất ngoài Ấn Độ của Tập đoàn HCL, phục vụ thị trường Đông Á. Tập đoàn Hinduja (Ấn Độ) - một trong những tập đoàn đa lĩnh vực cũng đang tìm kiếm cơ hội để thiết lập trung tâm chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; nếu Khánh Hòa thực sự quan tâm đến cơ hội này, Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ kết nối.
 
Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Ấn Độ đã thành lập Liên minh năng lượng mặt trời, Việt Nam đang xem xét để gia nhập liên minh này. Hiện nay, nhiều công ty ở khu vực Nam Trung Bộ nhập máy móc, thiết bị từ Ấn Độ phục vụ phát triển các hệ thống điện mặt trời. Đây là một lĩnh vực tỉnh có thể quan tâm để hướng tới phát triển xanh. Ông Phạm Sanh Châu thông tin: “Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn tìm kiếm những dự án xây dựng cầu, cảng lên đến 100 triệu USD để đầu tư hoặc làm nhà thầu theo các mô hình khác nhau. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ cũng đã đồng ý về nguyên tắc cung cấp khoản vay phát triển trị giá 65 triệu USD. Nếu Khánh Hòa có dự án phát triển cần nguồn tài chính và đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ thì tỉnh có thể xem xét tiếp cận nguồn vốn này”.
 
Thu hút đầu tư công nghiệp và du lịch
 
Trong chương trình hội thảo, đại diện Sở Du lịch giới thiệu với các doanh nghiệp Ấn Độ về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Đồng thời, chương trình đã kết nối để các doanh nghiệp du lịch 2 bên gặp gỡ trực tuyến và tự giới thiệu cũng như tìm hiểu thế mạnh của nhau.
Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định, Khánh Hòa mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ đối với  các dự án công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy (207,9ha) được xác định là một trong những địa điểm chính để thu hút đầu tư. Khu vực này đã hoàn thiện hạ tầng, có sẵn cảng nước sâu và đầy đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nặng. KCN Dốc Đá Trắng (288ha) sẽ thu hút đầu tư tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, logistics; dự án thứ cấp thân thiện môi trường… KCN Ninh Tịnh (600ha), thu hút đầu tư công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ. KCN Ninh Hải (242ha) tiếp nhận các dự án đóng tàu; dịch vụ hậu cần ngành dầu khí, cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, kinh doanh kho bãi. KCN Nam Cam Ranh (350ha) tiếp nhận các ngành sản xuất máy móc, linh kiện, thiết bị phục vụ trong lĩnh vực hàng hải... Lĩnh vực dịch vụ du lịch mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để xúc tiến các đoàn khách đến Khánh Hòa trong thời gian tới.

 

KCN Ninh Thủy với Cảng Nam Vân Phong có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.
KCN Ninh Thủy với Cảng Nam Vân Phong có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.
 
Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi đầu tư vào Khánh Hòa, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, mặt nước và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ thủ tục đầu tư tại tỉnh thông qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Trung tâm sẽ hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát địa điểm, tư vấn thủ tục, hồ sơ khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
 
ĐÌNH LÂM