Ngày 20-1, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và các bên liên quan về tình hình hoạt động của các trạm thu phí Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26 qua địa bàn tỉnh.
Ngày 20-1, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và các bên liên quan về tình hình hoạt động của các trạm thu phí Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26 qua địa bàn tỉnh. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với đoàn.
3 trạm BOT đã thực hiện thu phí không dừng
Trên tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 26 đoạn đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được bố trí 3 trạm thu phí, gồm: BOT Ninh Lộc, BOT Cam Thịnh và BOT Ninh Xuân.
Trạm BOT Ninh Lộc do Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa vận hành và khai thác. Hiện nay, trạm thực hiện miễn, giảm phí cho các phương tiện của 20/27 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa với số lượng 4.520 xe các loại. Trạm thu phí Cam Thịnh do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 194 quản lý và vận hành khai thác. Trạm này đang thực hiện miễn, giảm phí cho các xã Cam Thịnh Tây, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) với số lượng 117 xe các loại. Trạm BOT Ninh Xuân đang thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa, cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến Quốc lộ 26 qua tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 khai thác. Hiện nay, trạm thực hiện miễn, giảm phí cho toàn bộ 27/27 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa với số lượng 3.916 xe các loại.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, thực hiện lộ trình thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, cả 3 trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh đều đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động, vận hành từ ngày 31-12-2020. 2 trạm trên Quốc lộ 1 là Cam Thịnh và Ninh Lộc mỗi trạm lắp đặt 2 làn, trạm Ninh Xuân lắp đặt toàn bộ 4 làn xe. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành còn một số tồn tại cần khắc phục trong dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại các trạm thu phí của nhà cung cấp như: Phần mềm cần cập nhật, bổ sung; các vấn đề về kết nối thu phí - thanh toán, xử lý sự cố và hiện tại số lượng xe dán thẻ Etag thực hiện thu phí tự động còn rất thấp.
BOT Ninh Xuân vẫn là “điểm nóng”
Ngày 20-1, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trực tiếp thị sát, kiểm tra tại Trạm thu phí Ninh Lộc và Ninh Xuân. Tại thời điểm kiểm tra, Trạm BOT Ninh Lộc hoạt động bình thường. Theo báo cáo của doanh nghiệp, hiện nay, lưu lượng phương tiện qua trạm giảm so với dự kiến. Còn tại Trạm BOT Ninh Xuân, nhiều phương tiện không mua vé dẫn đến ùn tắc 2 chiều. Doanh nghiệp thu phí phải xả trạm để các phương tiện lưu thông, tránh ùn tắc kéo dài.
Ông Đỗ Tuấn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 cho biết, tính đến nay, việc thu phí tại trạm Ninh Xuân đã được 13 tháng, nhưng tình hình an ninh trật tự tại trạm vẫn diễn biến rất phức tạp. Việc chống phá khiến cho hoạt động thu phí liên tục bị gián đoạn dẫn đến thất thoát lượng doanh thu rất lớn. Cụ thể, tổng lượt xe qua trạm hơn 1,1 triệu lượt, nhưng chỉ thu về hơn 1,3 tỷ đồng, thất thoát hơn 28 tỷ đồng so với thực tế và thất thoát 25,5 tỷ đồng so với phương án tài chính. Doanh thu thực tế của Trạm thu phí Ninh Xuân chỉ đạt khoảng 104 triệu đồng/tháng so với kế hoạch 2,8 tỷ đồng/tháng. “Nếu không có biện pháp xử lý triệt để tình hình an ninh trật tự tại trạm thì việc cản trở kéo dài này gây thiệt hại lớn đến phương án tài chính của nhà đầu tư, tăng nguy cơ phá sản, nợ xấu ngân hàng cũng như ảnh hưởng chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa của Đảng và Chính phủ. Nhà đầu tư mong muốn Nhà nước bố trí ngân sách bù đắp phần doanh thu thực tế bị hụt so với phương án tài chính đã được ký kết”, ông Dũng nói.
Nói về vấn đề này, ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư PPP, Bộ GTVT nhấn mạnh: Dự án nâng cấp Quốc lộ 26 là 1 trong 67 dự án triển khai trước thời điểm Nghị quyết 437 của Quốc hội có hiệu lực. Việc đầu tư theo hình thức BOT là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Chính phủ. Dự án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, doanh nghiệp làm tròn trách nhiệm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, phía Nhà nước thì chưa tạo ra được điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu phí theo quy định pháp luật. Bộ GTVT rất mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục có biện pháp quyết liệt, hữu hiệu hơn nữa để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực Trạm thu phí Ninh Xuân.
THÀNH NAM
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đối với các vấn đề sụt giảm doanh thu tại các trạm thu phí, vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, báo cáo để có giải pháp điều chỉnh hợp lý, bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư. Chủ trương xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông là một chủ trương lớn, cần có sự đồng thuận, nỗ lực từ các phía. Tôi đề nghị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng của tỉnh như: Công an, thanh tra giao thông, nhà đầu tư ngồi lại với nhau, tìm ra căn cơ nguyên nhân gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Trạm thu phí Ninh Xuân để đưa ra giải pháp tốt nhất cho các bên.
______________________________________________
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Địa phương kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát những tồn tại bất cập để việc thu phí không dừng được vận hành ổn định, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại các trạm thu phí. Đồng thời, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 phải tăng cường công tác bảo vệ Trạm thu phí BOT Ninh Xuân; khắc phục sự cố và đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng ETC trên cả hai chiều xe. Ngoài ra, địa phương đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan bổ sung hạng mục công trình thoát nước, mương dọc, tấm đan đậy mương đảm bảo sự khai thác ổn định của kết cấu hạ tầng Quốc lộ 26.