11:12, 08/12/2020

Việc nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến thu hồi đất còn nhiều hạn chế

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa".

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết:

 

Ông Trần Mạnh Dũng
Ông Trần Mạnh Dũng
 
Theo Luật Đất đai 2013, việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. HĐND cấp tỉnh hoàn toàn không có thẩm quyền thu hồi đất mà chỉ có thẩm quyền “thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất” trên cơ sở xem xét các đề nghị của UBND tỉnh. Từ cuối năm 2014 đến ngày 31-12-2018, trên cơ sở các tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết về thu hồi đất với tổng diện tích đất cần thu hồi là 10.199ha cho 1.692 dự án. Trong đó, có 1.482 dự án sử dụng vốn ngân sách với diện tích đất cần thu hồi là 3.537ha; 210 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với diện tích đất cần thu hồi là 6.662,09ha.
 
 
- Ông cho biết một số kết quả của giám sát lần này?
 
 
- Qua giám sát, có thể thấy việc nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến việc thu hồi đất đai vẫn còn hạn chế. Từ trước đến nay, tờ trình của UBND tỉnh về danh mục dự án cần thu hồi đất thường rất ngắn, chỉ có một số nội dung như: Tổng số dự án và tổng diện tích đất cần thu hồi (trong và ngoài ngân sách); liệt kê tên của dự án, địa điểm dự án tại cấp xã và cấp huyện, số văn bản chấp thuận đầu tư. Tờ trình UBND tỉnh chỉ nêu danh mục các dự án mà không có dự thảo đã hoàn chỉnh của kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện (đầy đủ nội dung theo quy định của Luật Đất đai 2013) là một thiếu sót nghiêm trọng dẫn đến việc thiếu tính khả thi trong việc tổ chức thực hiện danh mục các dự án cần thu hồi đất đã nêu trong nghị quyết của HĐND tỉnh.
 
 
Thực tế cho thấy, trước khi trình HĐND tỉnh, các cơ quan trình đã không xem xét kỹ lưỡng những điều kiện cần và đủ để tiến hành việc thu hồi đất như: Tính khả thi của dự án, kinh phí bồi thường, giải tỏa; tiến độ thực hiện dự án… Đã có tình trạng mới chỉ có đề xuất của chủ đầu tư và công văn hành chính đơn thuần là đồng ý về chủ trương đưa vào danh mục đề nghị thu hồi đất. Chính vì vậy, sau khi được thông qua, việc triển khai các bước tiếp theo gặp nhiều vướng mắc và khó khăn.
 
 
Theo quy định, sau khi có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất, UBND tỉnh, UBND huyện và các ngành liên quan cần phải thực hiện tiếp các bước như: Cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; công bố công khai kế hoạch sử dụng đất; thông báo thu hồi đất; kiểm đếm và cưỡng chế thực hiện quy định kiểm đếm bắt buộc; ban hành quyết định thu hồi đất; cưỡng chế thu hồi đất… Tuy nhiên, các đầu việc này đã được thực hiện không đồng bộ, không đầy đủ, không kịp thời và chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục.
 
 
Các khó khăn trong việc bố trí kinh phí bồi thường, giải tỏa và thiếu kiên quyết trong việc thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh và UBND cấp huyện ban hành đã làm cho các dự án chậm tiến độ một cách phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng “dự án treo” không được xử lý; kế hoạch sử dụng đất hàng năm không thực hiện được nhưng không được “điều chỉnh hủy bỏ và công bố” công khai theo quy định đã làm số “dự án treo” tăng lên, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người sử dụng đất trong vùng dự án (như không được sửa chữa nhà; xây dựng nhà và công trình mới; không được trồng cây lâu năm).
 
 
- Sau đợt giám sát lần này, đoàn giám sát của HĐND tỉnh có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết về danh mục các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội?
 
 
Đối với HĐND tỉnh, đoàn giám sát kiến nghị Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khi thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất cần tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa các quy định về dự án đầu tư và đầu tư công; các quy định về 5 nhóm dự án theo Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai để trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết bổ sung tính thực tiễn và tính khả thi cao hơn nữa. Kèm theo tờ trình, HĐND tỉnh cần yêu cầu UBND tỉnh phải có dự thảo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện có liên quan đến dự án trong danh mục; các tài liệu cần thiết của dự án cụ thể, tiến độ sử dụng đất của dự án, kinh phí bồi thường tái định cư dự án… thì mới đủ tài liệu, cơ sở để xem xét.
 
 
Đồng thời, đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngay việc thống kê rà soát tất cả các dự án có trong danh mục các dự án đã có trong nghị quyết HĐND tỉnh từ tháng 12-2014 đến tháng 10-2020 để xác định tổng số các dự án đã hoàn thành, các dự án đã chấm dứt, các dự án cần phải chấm dứt, các dự án cần phải tập trung tháo gỡ những khó khăn để hoàn thành theo tiến độ cụ thể. Công bố công khai các dự án đã quá 3 năm mà không có quyết định thu hồi đất, không tiếp tục thực hiện để người dân biết và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của luật.
 
 
UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2013; đánh giá, rút kinh nghiệm những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua để việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đi vào nề nếp… Đồng thời, UBND tỉnh cần hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo quy định; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500 để làm cơ sở thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
 
 
- Xin cảm ơn ông.
 
 
XUÂN THÀNH (thực hiện)