Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác Xây dựng Đảng và Thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, phần Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nêu: "…Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được quan tâm hơn.
Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác Xây dựng Đảng và Thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, phần Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nêu: “…Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được quan tâm hơn. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vừa để phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý vi phạm, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để tiến tới không thể tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu (trong đó, có 24 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Ủy viên Bộ Chính trị; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an)”. Đây rõ ràng là một bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XII được nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Dự thảo cũng đã chỉ rõ công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt; tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chính vì vậy, trong phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII về việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí nên đưa vào giải pháp “Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng”. Thực tế trong nhiệm kỳ Đại hội XII, có rất nhiều vụ án tham nhũng từ địa phương đến các bộ, ngành được điều tra, xử lý bắt nguồn từ thông tin tố giác của người dân qua các đơn khiếu nại, tố cáo hay các thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, có nhiều bài viết phản ánh, phóng sự điều tra... của các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc đưa các vụ án tham nhũng tưởng chừng như đã “lãng quên” được đưa ra xử lý đến cùng. Vì vậy, cần có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí. Việc người dân và các cơ quan thông tấn báo chí được tiếp cận với tài liệu kê khai tài sản của lãnh đạo các cấp cũng giúp giảm đáng kể nạn tham nhũng.
Minh Anh
(Trần Quý Cáp, TP. Nha Trang)