Sáng 11-9, tại Nha Trang, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục...
Sáng 11-9, tại Nha Trang, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tại đây, các đại biểu được giới thiệu khái quát về Bộ pháp điển, công tác xây dựng Bộ pháp điển và cách khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Được biết, cả nước có 8.779 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Trung ương ban hành và 52.544 văn bản QPPL do các cơ quan ở địa phương ban hành, nên khó tránh khỏi mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung. Vì vậy, ngày 16-4-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý cho công tác pháp điển.
Theo Pháp lệnh trên, Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 chủ đề và 271 đề mục, được thực hiện qua 3 giai đoạn, từ năm 2014 đến 2023. Đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện xong 171 đề mục và được Chính phủ thông qua 150 đề mục. Trong 100 đề mục còn lại, 31 đề mục đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm nay; 69 đề mục dự kiến hoàn thành năm 2021 - 2022. Với tiến độ này, Bộ pháp điển có thể hoàn thành sớm vào năm 2022.
Với việc pháp điển xong 171 đề mục, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã "làm sạch" được hơn 5.000 văn bản trong gần 9.000 văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật; giúp việc tra cứu các quy định pháp luật còn hiệu lực dễ dàng, thuận tiện hơn.
N.V