10:09, 27/09/2020

Nỗ lực đưa Khánh Sơn thoát nghèo

Sáng 27-9, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn về tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.

 

Sáng 27-9, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn về tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.


Nhiều kiến nghị


Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có đến 60 - 70% người dân không có giấy phép lái xe hạng A1, muốn sát hạch thì phải xuống huyện Cam Lâm nên rất khó khăn cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức dạy và sát hạch ngay tại địa bàn huyện Khánh Sơn.

 

Ông Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận buổi  làm việc.

Ông Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận buổi làm việc.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị, để đảm bảo đủ điều kiện triển khai thực hiện việc sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô, xe máy cho nhân dân trên địa bàn huyện, UBND huyện Khánh Sơn cần làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn để xem xét đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo quy định dạy và sát hạch; khi đảm bảo đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải sẽ sớm triển khai việc sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy cho nhân dân trên địa bàn huyện.


Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, một trong những khó khăn lớn của địa phương hiện nay là xóa nhà tranh tre, dột nát cho hộ nghèo. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo; tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn 632 hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, trong đó có 624 căn nhà đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương kiến nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người dân.


Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, ngày 17-9, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành đã họp, thống nhất đề xuất nguồn lực hỗ trợ công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sở LĐ-TB-XH đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương thực hiện công tác rà soát cụ thể để tính toán phân kỳ hỗ trợ xây dựng, sửa chữa phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo trong giai đoạn 2020 - 2025. Sở LĐ-TB-XH đề xuất sử dụng Quỹ Vì người nghèo, nguồn vận động của tổ chức, doanh nghiệp, vốn đối ứng của các hộ dân để thực hiện việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo tại Khánh Sơn.

 

Một trong những vấn đề được huyện kiến nghị tỉnh xem xét giải quyết là việc bóc tách, điều chỉnh quy hoạch từ đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời cho phép các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất rừng có độ dốc nhỏ, phù hợp với cây ăn quả được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây lâu năm để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện khẩn trương triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của địa phương, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá hiện trạng những khu vực cần phải bóc tách để đề xuất. UBND huyện cần rà soát các khu vực có khả năng phát triển cây ăn quả để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, từ đó xem xét, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.


Ngoài các vấn đề trên, tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn còn kiến nghị lãnh đạo tỉnh các vấn đề liên quan đến việc phát triển du lịch của huyện; giải quyết nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư các khu di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa như: Hang Tỉnh ủy, di tích khảo cổ Dốc Gạo, đàn đá Khánh Sơn…; tiếp tục đầu tư triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tăng số lượng và mức hỗ trợ thực hiện mô hình của chương trình này; tăng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo và học bổng cho học sinh tiểu học, THCS… Các kiến nghị của địa phương đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận, chỉ đạo các sở, ngành quan tâm giải quyết.

 

Sầu riêng là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân Khánh Sơn thoát nghèo và làm giàu. Ảnh: BKH

Sầu riêng là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân Khánh Sơn thoát nghèo và làm giàu. Ảnh: BKH

 

Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo


Theo báo cáo của Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn, năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tình hình hạn hán nhưng kinh tế - xã hội của địa phương vẫn có bước phát triển khá. Dự kiến đến cuối năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ đạt, vượt kế hoạch được giao từ đầu năm. Trong đó, nông dân trên địa bàn huyện đã và đang thu hoạch 4.625 tấn sầu riêng, vượt 10% kế hoạch, 206 tấn mít, gần 95 tấn chôm chôm, gần 30 tấn măng cụt, hơn 42 tấn quýt, gần 175 tấn bưởi, hơn 4.000 tấn chuối. Ước tính năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt gần 60 tỷ đồng, bằng 100,42% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước 9 tháng vượt 3,54% kế hoạch…


Để thực hiện mục tiêu đưa Khánh Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo, trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc, tạo lòng tin trong nhân dân. Trên cơ sở đánh giá kết quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, huyện sẽ xây dựng các nghị quyết, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 sát với thực tế. Từ đó, bố trí nguồn lực để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Huyện chú trọng phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; địa phương sẽ tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.


Ông Nguyễn Khắc Định chỉ đạo: Giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ và nhân dân Khánh Sơn phải nỗ lực hết sức để đưa địa phương sớm thoát khỏi huyện nghèo. Muốn vậy, lãnh đạo địa phương phải có tầm nhìn, có khát vọng trong xây dựng kế hoạch phát triển; đồng thời, phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của tỉnh để đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới. Ông yêu cầu trong năm 2021, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội để tạo sức bật cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đối với các kiến nghị cụ thể của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy cơ bản nhất trí về chủ trương; đồng thời chỉ đạo huyện Khánh Sơn phải có các đề xuất cụ thể; trên cơ sở đó, các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ Khánh Sơn giải quyết…


Hải Lăng - Thái Thịnh