Chiều 1-9, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 các dự án trên địa bàn tỉnh. Tham dự có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Chiều 1-9, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 các dự án trên địa bàn tỉnh. Tham dự có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho tỉnh là 4.599,283 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ khả năng thu ngân sách của tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 3.246,639 tỷ đồng (giảm 1.352,644 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương so với kế hoạch Chính phủ giao). Tính đến ngày 30-8, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch của Chính phủ giao đạt 29,1% (tỷ lệ giải ngân đến ngày 30-7-2020 đạt 25%); so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế đạt 41,3%, tăng 5,8% so với cùng kỳ tháng trước (tỷ lệ giải ngân đến ngày 30-7 đạt 35,5%).
Qua tổng hợp, rà soát, đến ngày 30-8, toàn tỉnh có 14 đơn vị giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh; 16 đơn vị giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân của tỉnh. Sau khi thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 tại kỳ họp HĐND tỉnh thứ 11, dự kiến đến ngày 30-9, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế ước đạt 67,8% (đáp ứng tỷ lệ 60% theo Nghị quyết số 84 ngày 29-5-2020 của Chính phủ). Hết năm 2020, tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch tất cả các nguồn vốn được giao.
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi có mặt bằng, các chủ đầu tư phải đưa vào thi công ngay để tạo ra khối lượng thực hiện giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương phải chủ động phối hợp, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp không chấp hành quy định của Nhà nước để bàn giao mặt bằng cho dự án; tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong cuối năm nay.
Đình Lâm