09:09, 11/09/2020

Giải quyết nhiều vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Chiều 11-9, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Khánh Hòa nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường.

Chiều 11-9, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) do Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Khánh Hòa nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về TN-MT.


Làm việc với đoàn có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan. 

 

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

   
Nhiều khó khăn, vướng mắc


Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN-MT gặp nhiều khó khăn do các văn bản chồng chéo, bất cập, thậm chí nghị định xung đột với luật, việc hướng dẫn văn bản không cụ thể, rõ ràng. Điều này dẫn đến việc tham mưu không đúng, không sát, chậm…


Liên quan đến vấn đề “đất ở không hình thành đơn vị ở”, trước đây, tỉnh đã giao đất theo hình thức này, hiện 2 doanh nghiệp đang xin chuyển hình thức sử dụng đất loại này sang đất ở. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang gặp khó khăn vì theo hướng dẫn của Tổng cục Quản lý Đất đai mới đây, việc xác định loại đất để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất căn cứ vào các loại quy hoạch như: Sử dụng đất, xây dựng, đô thị, nông thôn mới… Hiện nay, các dự án này vướng Quy hoạch sử dụng đất TP. Nha Trang đến năm 2020 đã được phê duyệt quy hoạch là đất ở, nhưng theo Nghị quyết 48 (ngày 9-5-2018) Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa là đất thương mại - dịch vụ; nếu muốn điều chỉnh phải chờ Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thiện nên sẽ mất nhiều thời gian.


Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã chấm dứt hoạt động buộc thu hồi đất, hiện nay tỉnh chưa giải quyết được. Cụ thể, trên địa bàn có 4 dự án, gồm: Khu du lịch sinh thái đảo Bình Hưng; Khu du lịch sinh thái Bình Ba; Khu Thương mại, dịch vụ và khách sạn Đông Hải; Công viên Văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao. Theo quy định của Nghị định 01 (ngày 6-1-2017) sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì chủ đầu tư tiếp tục sử dụng 24 tháng kể từ ngày dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định pháp luật để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp cho nhà đầu tư khác. Khi hết thời hạn 24 tháng được gia hạn tiến độ sử dụng đất, chủ đầu tư không thực hiện các công việc trên thì Nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tương tự, các vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá đất cụ thể; giá đất khởi điểm… cũng gặp nhiều khó khăn. Các lĩnh vực khác như khoáng sản, môi trường… cũng còn nhiều vướng mắc như: Hạng mục san nền trong các dự án xây dựng công trình có được xem là hoạt động khai thác khoáng sản? Và nếu như vậy thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản xử lý thế nào? Hay việc định danh khoáng sản sét bùn trên địa bàn tỉnh; quản lý tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý chất thải rắn; liên quan sửa đổi Nghị định 51 (ngày 21-5-2014) về giao khu vực biển đang “vênh” với Luật Thủy sản…  


Đề xuất hướng giải quyết


Sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN-MT hướng dẫn và làm rõ hơn một số nội dung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, theo Luật Đất đai không có khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”, địa phương cần nghiên cứu tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các dự án tỉnh giao đất theo hình thức “đất ở không hình thành đơn vị ở” cần xem xét các yếu tố liên quan theo Luật Xây dựng và Luật Đất đai… Vấn đề thu hồi đất các dự án ngoài ngân sách vi phạm được gia hạn 24 tháng là để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất. Sau thời hạn 24 tháng thì tiến hành thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.


Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 51, Bộ TN-MT đang tham mưu Chính phủ sửa theo hướng giao thẩm quyền cấp tỉnh được giao khu vực biển trong phạm vi 6 hải lý, cấp huyện phạm vi 3 hải lý. Về công tác quản lý khoáng sản, các đơn vị của bộ đã hướng dẫn đối với đất san lấp của các dự án cần nghiên cứu kỹ, đất san lấp phục vụ dự án không xem là hoạt động khai thác khoáng sản nên không phải thu tiền cấp quyền khai thác, trừ trường hợp đất san lấp tham gia dự án khác. Vấn đề bùn khoáng mà Khánh Hòa nêu hiện nay được xem như giá trị địa y học, bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu. Việc phân cấp quản lý tài nguyên nước cho cấp huyện hiện nay chỉ có 2 cấp Trung ương và tỉnh, nhưng tỉnh có thể xem xét ủy quyền…


Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhiều vấn đề đã được các đơn vị trực thuộc bộ hướng dẫn, địa phương có thể thực hiện, một số vấn đề chưa thể giải đáp, bộ sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới, đồng thời đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung.


V.L