Ngày 11-7, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị lần thứ 21 (tiếp theo phiên ngày 30-6). Các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng chủ trì hội nghị.
. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm
. Thông qua Đề án nhân sự Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngày 11-7, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị lần thứ 21 (tiếp theo phiên ngày 30-6). Các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Tỉnh ủy dành nhiều thời gian thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và bàn giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 và dự kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020; dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 (lần 2) và kế hoạch đầu tư công năm 2021.
6 tháng đầu năm, lần đầu tiên trong lịch sử, GRDP của tỉnh giảm 12,02% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,68% (mức tăng thấp nhất trong 7 năm trở lại đây); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 32,71%; doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 3.396 tỷ đồng, giảm 71,77%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 370 triệu USD, giảm 6,41%; thu nội địa đạt 5.645 tỷ đồng, đạt 35,2% dự toán và giảm gần 31% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành Du lịch cần thời gian dài để phục hồi; tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã kiểm soát được nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra… Dù vậy, tỉnh vẫn không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 mà sẽ phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu này trong năm 2020.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, đến ngày 15-6, tỷ lệ giải ngân từng nguồn vốn còn thấp. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân 24,7% kế hoạch; vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 21,2% kế hoạch; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân 7,51% kế hoạch; nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi giải ngân 6,9% kế hoạch. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 thực hiện như sau: Đối với nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý, sẽ giảm kế hoạch vốn các dự án bị vướng bồi thường giải tỏa và thủ tục đầu tư, các dự án giải ngân đến ngày 30-9 dưới 60% kế hoạch đã giao đầu năm, với số vốn giảm gần 176 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm hơn 26.797 tỷ đồng; trong đó, phần vốn cấp tỉnh quản lý hơn 20.404 tỷ đồng, phần vốn cấp huyện quản lý hơn 6.393 tỷ đồng. Năm 2021, dự kiến tổng mức đầu tư công hơn 5.351 tỷ đồng.
Tỉnh ủy đã cho ý kiến về tình hình thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và phương án điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2020. Ước 6 tháng cuối năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.238 tỷ đồng; ước thực hiện cả năm 12.177 tỷ đồng chỉ đạt 70% dự toán, bằng 64% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã thông qua Đề án nhân sự Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục thực hiện quy trình đối với nhân sự bổ sung tham gia tái cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định yêu cầu 6 tháng cuối năm, các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, trong đó tập trung tháo gỡ về quy hoạch, giá đất, thủ tục hành chính và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức; thực hiện cắt giảm các dự án, công trình không thiết yếu, tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, có tính động lực phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp để tăng thu ngân sách, trong đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn thu và thực hiện các biện pháp chống thất thu; tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế…
N.D