10:07, 16/07/2020

Đừng bỏ ruộng...

Những ngày này, về với các địa phương nông nghiệp, cảnh tượng nhiều mảnh ruộng bị bỏ khô, nứt nẻ quắt queo cứ khiến lòng người đau xót. Đâu rồi, một màu xanh non tơ của lúa đương thì con gái? Chỉ thấy xơ xác, tiêu điều. Ruộng đã khô. Lúa đã chết. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, do nắng hạn, thiếu nước nên trong số gần 19.000ha lúa hè thu năm 2020 theo kế hoạch, toàn tỉnh chỉ gieo sạ được 5.126ha, còn lại khoảng 14.000ha phải bỏ vụ.

Những ngày này, về với các địa phương nông nghiệp, cảnh tượng nhiều mảnh ruộng bị bỏ khô, nứt nẻ quắt queo cứ khiến lòng người đau xót. Đâu rồi, một màu xanh non tơ của lúa đương thì con gái? Chỉ thấy xơ xác, tiêu điều. Ruộng đã khô. Lúa đã chết. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, do nắng hạn, thiếu nước nên trong số gần 19.000ha lúa hè thu năm 2020 theo kế hoạch, toàn tỉnh chỉ gieo sạ được 5.126ha, còn lại khoảng 14.000ha phải bỏ vụ.

Theo PGS. TS Khoa học Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Biển Việt Nam, tại Khánh Hòa đã xuất hiện hình thức khí hậu cực đoan. Khánh Hòa cũng là 1 trong 9 tỉnh của Việt Nam phải gánh chịu nặng nề nhất thảm họa biến đổi khí hậu. Năm nay, dự báo nắng nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Nền nhiệt trung bình toàn tỉnh sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 đến 1oC. Hầu hết nông dân trong tỉnh cho rằng, chưa có năm nào hạn nặng như năm nay. Mà khả năng hạn hán có thể tái diễn trong những năm tới, với mức độ ngày càng khốc liệt hơn.


Thực tế đó đòi hỏi chúng ta sớm nhận diện được những tác động tiêu cực của hiện tượng thiên tai cực đoan để tìm giải pháp phù hợp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Còn nhớ, trong buổi làm việc với Khánh Hòa hồi tháng 4-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó chỉ đạo: Trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, Khánh Hòa cần chủ động tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chịu được hạn, sử dụng ít nước, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với khí hậu, thời tiết của địa phương, có thể giảm bớt diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng khác.


Từ năm 2015, tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án Chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu nhằm chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất lúa không chủ động nước sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi hơn 48 tỷ đồng. Theo đề án, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 là 3.454ha; trong đó, chuyển đổi 2.444ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng năm khác.


Đến nay, theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thực hiện đề án nói trên, nông dân toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 3.200ha cây trồng. Trong đó, nông dân ưu tiên chọn các loại cây trồng chịu hạn, chống chọi tốt hơn với điều kiện thời tiết cực đoan và có giá trị kinh tế cao. Hiện đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Cây lúa ở các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa; xoài Úc ở huyện Cam Lâm; sầu riêng, mía tím ở huyện Khánh Sơn; bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh; tỏi ở thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh... Đây là những kết quả rất đáng mừng.


Tuy nhiên, trước thực tế biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, số phận của hơn 14.000ha ruộng lúa nói trên sẽ ra sao? Cứ đà này, khả năng bỏ vụ trong những năm sau là tất yếu. Có lẽ, phải thực hiện rà soát số diện tích ruộng lúa phải bỏ vụ để có hướng chuyển đổi sản xuất cho phù hợp. Đề án chuyển đổi cây trồng nói trên xác định đến năm 2020 chuyển đổi 2.444ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng năm khác. Thế nhưng, đến năm 2020 lại có đến 14.000ha ruộng lúa phải bỏ vụ, không sản xuất. Hai con số khiến ta băn khoăn. Chúng ta đã dự báo chưa thật sát hay là chỉ mới mấy năm, biến đổi khí hậu đã có tác động ghê gớm đến như vậy?


Chuyển đổi sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu, do đó, đang là vấn đề cấp bách. Song, chuyển đổi thế nào, cơ cấu cây trồng vật nuôi ra sao, giải pháp gì cho phù hợp, hiệu quả... hiện vẫn là những câu chuyện cần bàn. Chúng ta đang cần một kịch bản tốt ứng phó với biến đổi khí hậu, với những nhóm giải pháp căn cơ, cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi..., để ruộng đồng không bị bỏ khô trong điều kiện nắng hạn.


PHONG NGUYÊN