Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cho biết:
- Trải qua các thời kỳ và tên gọi khác nhau, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là nơi tập hợp rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội, tạo thành khối đoàn kết, tổng hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Tại Khánh Hòa, sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh được thành lập (24-2-1930), tháng 8-1945, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh ra đời, trở thành nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết nhân dân trong tỉnh.
Trải qua 89 năm, Mặt trận các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có nhiều đổi mới, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tập trung triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Quỹ “Vì người nghèo”; “Đoàn kết sáng tạo thi đua nâng cao năng suất lao động”; đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; xây nhà Đại đoàn kết; Tết cho người nghèo... Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục có chuyển biến tích cực; hoạt động đối thoại giữa nhân dân với người đứng đầu chính quyền cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Mặt trận các cấp thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị với các tỉnh kết nghĩa hoặc có quan hệ hợp tác…
- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đóng vai trò rất quan trọng. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của công tác này?
- Thời gian qua, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 240 cuộc với nhiều nội dung, lĩnh vực liên quan như: cải cách hành chính về thuế, hải quan, thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra tại khu dân cư; việc lấy ý kiến nhân dân trong triển khai thực hiện các dự án; an sinh xã hội; an toàn thực phẩm; thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư cho người dân; quản lý trật tự xây dựng... Qua giám sát và phản biện, MTTQ đã kiến nghị với các cấp những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến nghị điều chỉnh những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong dự thảo văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…
Ngoài ra, các cấp Mặt trận đã tham mưu chính quyền, Đảng ủy tổ chức 45 buổi đối thoại về những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực KT-XH, liên quan đến quyền và lợi ích của người dân như: giải tỏa, đền bù, tái định cư của một số dự án, quy hoạch treo, xây dựng trái phép tại địa phương, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý rác thải…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội vẫn gặp một số hạn chế, nhất là ở cơ sở như: Nhiều nơi còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát; phản biện còn ít và còn hình thức, thụ động, chưa rõ vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội; các cơ quan chưa cung cấp các dự thảo văn bản để Mặt trận tổ chức phản biện; kỹ năng, trình độ cán bộ mặt trận còn hạn chế…
Để hoạt động giám sát đạt kết quả cao, thời gian tới, Mặt trận tỉnh sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội; làm tốt công tác tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt vai trò và trí tuệ của các vị ủy viên, các trí thức, dân tộc, tôn giáo, chuyên gia, người có uy tín…
- Tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian tới, các cấp Mặt trận sẽ tập trung những nhiệm vụ nào, thưa ông?
- Thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, trọng tâm hướng về cơ sở, khắc phục biểu hiện hành chính hóa, chủ động tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ, trang thông tin điện tử, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng tuyên truyền kết quả thực hiện KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Đại hội Mặt trận tỉnh và toàn quốc nhiệm kỳ 2019 - 2024; phát huy quyền làm chủ, sáng tạo, tự quản có hiệu quả trong các lĩnh vực đời sống, xã hội, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân, nhân rộng và biểu dương các điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả... Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổ chức đối thoại với người đứng đầu chính quyền, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các ý kiến bức xúc của cử tri… Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có trách nhiệm, tôn trọng nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân…
- Xin cảm ơn ông!
CẨM VÂN (Thực hiện)