Sáng 7-11, huyện Diên Khánh tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm phong trào Đồng khởi (7-11-1964 - 7-11-2019).
Sáng 7-11, huyện Diên Khánh tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm phong trào Đồng khởi (7-11-1964 - 7-11-2019). Dự lễ có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, cùng các nhân chứng lịch sử từng tham gia phong trào Đồng khởi.
Ký ức những ngày đồng khởi
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh đọc diễn văn ôn lại lịch sử hào hùng của quân dân huyện Diên Khánh trong phong trào Đồng khởi. Theo đó, sau một thời gian chuẩn bị, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định tiến hành đồng khởi ở hai huyện Diên Khánh và Ninh Hòa vào ngày 7-11-1964 để giải phóng một số vùng nông thôn, mở rộng địa bàn cung cấp lương thực, thực phẩm, lực lượng phục vụ kháng chiến, góp phần cùng miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Ở Diên Khánh, phong trào Đồng khởi nổ ra đầu tiên ở 2 xã Diên Sơn và Diên Điền. Sau 1 năm đồng khởi, vùng giải phóng của Diên Khánh đã mở rộng ra 7 xã với hơn 20.000 dân. Chính quyền cách mạng đã thực hiện nhiều chính sách tiến bộ như: chia ruộng đất cho dân, mở trường dạy học, xây dựng đài liệt sĩ, vận động thanh niên tham gia kháng chiến…
Có mặt tại buổi lễ, bà Lê Thị Nữ (sinh năm 1940), nguyên Bí thư chi đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Diên Sơn cho biết, bà vẫn nhớ như in diễn biến của phong trào Đồng khởi ở Diên Khánh. “Thực hiện kế hoạch đồng khởi, chiều 7-11-1964, ta xuất quân đánh trung đội nghĩa quân ở Đại Điền Nam, diệt 1 tên ác ôn phụ trách an ninh xã và 5 lính nghĩa quân. Do địch chống trả quyết liệt, kêu gọi thêm viện binh từ quận Diên Khánh (Thành)... nên ta không giành được thắng lợi theo kế hoạch ban đầu và đành rút lực lượng nòng cốt lên núi. Sáng 8-11-1964, địch từ Thành kéo quân sang nhưng gặp phải phục kích của quân ta ở Đại Điền Trung (Diên Điền) nên phải rút về. Ở Diên Sơn, sau khi tuần tra, địch cũng chỉ giữ lại một lực lượng mỏng. Nhận được tin báo, chiều hôm đó, lãnh đạo tỉnh đã cho lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện đổ về tứ thôn Đại Điền tổ chức đồng khởi. Được sự hỗ trợ của bộ đội, quần chúng nhân dân đã nhất tề nổi dậy phá ấp chiến lược, tiếng trống, mõ vang trời. Ngay trong đêm 8-11-1964, chính quyền cách mạng được thành lập ở 2 xã Diên Sơn và Diên Điền”, bà Nữ kể lại.
Những ngày sau đó, không khí cách mạng ở cả vùng tứ thôn Đại Điền lên cao, phong trào Đồng khởi lan rộng ra cả 7 xã khu vực phía nam sông Cái. Chính quyền cách mạng mở phiên tòa xét xử những phần tử phản cách mạng để răn đe; lấy đất công, đất vắng chủ chia cho người dân sản xuất, vận động những người có học ra dạy xóa mù chữ cho dân. “Trong một thời gian ngắn, bộ đội và người dân đào giao thông hào nối liền Diên Sơn với Diên Điền. Chính quyền phát động mỗi hộ vót 50 cây chông, nhưng nhiều gia đình đã làm vượt số lượng rất nhiều. Phụ nữ trong xã liên tục đi vận động người dân đóng góp để nuôi quân, có người còn vận động được lương thực từ người dân ở Thành mang về tứ thôn Đại Điền. Người dân hăng hái chuyển gạch, chở cát xây đài liệt sĩ ngay cạnh đình làng Đại Điền Trung. Tiếc rằng, trong một lần càn vào làng, địch đã phá đài liệt sĩ...”, ông Nguyễn Cận (xã Diên Điền) kể.
Những ngày đồng khởi, ta vừa kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị để chống càn. Mỗi lần địch chuẩn bị càn vào làng, ta vận động người dân giả vờ chạy đi sơ tán, vừa chạy vừa phao tin là bộ đội ở trong làng nhiều để nghi binh, làm nao núng tinh thần chiến đấu của binh lính địch. Để tránh bị đàn áp, ta đã tạo ra hình thức đi chợ nhồi (dùng ám hiệu bằng cách buộc quai nón, giỏ đi chợ... để nhận ra cùng là lực lượng cách mạng) để khi cần thiết thì hỗ trợ nhau. Thông qua việc đi chợ, quân ta tuyên truyền về tội ác của địch gây ra ở vùng giải phóng để tạo nên làn sóng đấu tranh, ủng hộ của người dân ở những vùng địch còn kiểm soát. “Khi địch bắn pháo vào làng, chúng tôi vận động người dân mang xác người, trâu bò bị chết... sang quận lỵ Diên Khánh đấu tranh, yêu cầu không được bắn pháo vào làng. Chúng tôi thường xuyên đến nhà binh lính ngụy làm công tác binh vận. Có lúc, chúng tôi còn tổ chức cho hàng chục gia đình binh sĩ kéo về Nha Trang kêu gọi chồng, con rời bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng, có người còn trực tiếp cầm súng đánh giặc....”, bà Nữ nhớ lại.
Phát huy tinh thần đồng khởi
Huyện Diên Khánh hiện có 19 xã, thị trấn với gần 140.000 dân. Những năm gần đây, kinh tế của huyện có sự chuyển dịch rõ nét, trong đó tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 56%, dịch vụ chiếm 30%, nông nghiệp chiếm 14%. Năm 2018, tổng thu ngân sách của huyện được hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn huyện có 11 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 10 tiêu chí; 39/54 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân biểu dương những đóng góp của quân và dân huyện Diên Khánh trong phong trào Đồng khởi và công cuộc đấu tranh, giải phóng tỉnh Khánh Hòa. “Phong trào Đồng khởi Diên Khánh đã tác động mạnh mẽ vào bộ máy chính quyền của địch, làm cho chúng hoang mang dao động, nhiều nơi trong tỉnh bị tê liệt. Qua phong trào, Diên Khánh đã góp phần cùng tỉnh đào tạo được một đội ngũ cán bộ có năng lực, hàng trăm thanh niên thoát ly bổ sung lực lượng cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang vững mạnh, cung cấp khối lượng lớn lương thực, thực phẩm… và giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng tỉnh Khánh Hòa. Phong trào Đồng khởi Diên Khánh cùng với Ninh Hòa đã tạo nên phong trào Đồng khởi của tỉnh. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, bản anh hùng ca, một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giành thắng lợi chung trong toàn tỉnh và giải phóng tỉnh nhà”, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.
55 năm kể từ phong trào Đồng khởi, kinh tế - xã hội của huyện Diên Khánh ngày càng phát triển. Vùng tứ thôn Đại Điền, cái nôi đồng khởi năm xưa nay tràn đầy sức sống với những ngôi nhà khang trang, những con đường nhộn nhịp. Ông Nguyễn Tấn Tuân gợi ý Diên Khánh cần quy hoạch phát triển theo hướng là khu vực vệ tinh của TP. Nha Trang, trong đó có sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông sản chất lượng cao để phục vụ du lịch. Ông lưu ý, huyện phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; phổ biến, giáo dục đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho người dân…
XUÂN THÀNH