12:08, 30/08/2019

Ký ức 3 lần được gặp Bác Hồ

Mấy chục năm đã trôi qua, ông Nguyễn Xuân Hải (hiện ở 42B Đống Đa, phường Tân Lập, TP. Nha Trang) vẫn nhớ mãi những năm tháng khi còn là cậu học sinh miền Nam được nhân dân miền Bắc đùm bọc, sẻ chia và vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.

Mấy chục năm đã trôi qua, ông Nguyễn Xuân Hải (hiện ở 42B Đống Đa, phường Tân Lập, TP. Nha Trang) vẫn nhớ mãi những năm tháng khi còn là cậu học sinh miền Nam được nhân dân miền Bắc đùm bọc, sẻ chia và vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.


Những lần gặp Bác


Ông Hải sinh năm 1943 ở Bình Định. Tuy không được đến trường nhưng nhờ sự chỉ dạy của người cha là cán bộ tiền khởi nghĩa và sự chịu khó của mình, cậu bé Hải cũng đã đọc viết, làm toán thành thạo. Năm 1955, ông Hải theo gia đình tập kết ra Bắc, được xếp học lớp 3 Trường học sinh miền Nam số 19 ở Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).

 


Đối với ông Hải, ký ức về những lần được gặp Bác đọng lại đầy cảm xúc. Năm 1959, lúc đó đang học lớp 7 Trường học sinh miền Nam số 25 (Hà Đông), cậu học sinh Nguyễn Xuân Hải được chọn tham gia “Trại Bồ câu trắng” dành cho những học sinh chăm ngoan, học giỏi tiêu biểu toàn miền Bắc tại vườn hoa Bách Thảo ở Hà Nội. Cậu thiếu niên háo hức tập luyện nghi thức đội, rồi được nhà trường cấp cho quần áo, giày ba ta đồng phục, mang khăn quàng đỏ rất đẹp ra Hà Nội tham gia cắm trại và hồi hộp chờ giây phút được gặp Bác.


Ông Hải bồi hồi nhớ lại: “Hôm ấy, Bác Hồ đến cùng Tổng thống Indonesia Sukarno. Thấy Bác, chúng tôi chạy ùa tới, các bạn nữ ùa vào ôm Bác chật kín, các bạn nam đứng vòng quanh. Lúc đó, bỗng nhiên nhạc nổi lên, chúng tôi vừa múa vừa hát xung quanh Bác. Được một lúc, Bác cùng ông Sukarno bước lên lễ đài. Chúng tôi đồng thanh hô vang “Bác Hồ muôn năm! Hidup paman Sukarno! (ngài Sukarno muôn năm)”. Trong mắt chúng tôi khi đó, Bác đẹp như một ông tiên, lại như người ông gần gũi, thân thương trong gia đình. Sau đó Bác giới thiệu Tổng thống Sukarno và nói chuyện với các thiếu nhi. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mãi câu hỏi của Bác “Các cháu có biết xã hội chủ nghĩa là gì không” rồi Bác giải thích cho chúng tôi…”.
Lần thứ hai, ông Hải được gặp Bác khi Người đến thăm khu trường học sinh miền Nam ở Chương Mỹ (Hà Đông). Lúc đó, ông đã là học sinh cấp 3. Ông Hải kể: “Chúng tôi tập trung lại nghe Bác nói chuyện. Trông Bác vẫn thế, không thay đổi nhiều”. Lần thứ ba, ông Hải được gặp Bác tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 (năm 1965 hoặc 1966) trong Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Khi đó, ông Hải đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là đoàn viên ưu tú vinh dự được chọn đi dự lễ mít tinh. Ngồi trong hội trường, ở hàng ghế gần khu vực lễ đài nên cậu sinh viên được nhìn rất rõ Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng, bác Võ Nguyên Giáp và gần như đầy đủ các bác trong Bộ Chính trị. Được gặp Bác, cậu sinh viên Nguyễn Xuân Hải như được tiếp thêm ý chí và nghị lực phấn đấu học tập tốt để xứng đáng với công ơn của Đảng, Bác Hồ, với ân tình của nhân dân miền Bắc.


Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn


Tháng 9-1967, sau khi tốt nghiệp, ông Hải đã có thời gian dạy học ở Bắc Kạn và Thái Nguyên. Đến năm 1969, ông viết đơn tình nguyện đi B (chiến trường miền Nam). Ông Hải tiếp tục được bồi dưỡng nghiệp vụ để vào Nam làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Những năm 1969 đến 1972, chiến trường miền Nam ác liệt nên Bộ Giáo dục phải hoãn lại, mãi đến năm 1972, ông Hải mới lên đường vào Nam. Trong hành trang ông mang theo có quyển nhật ký mà hôm nay ông vẫn giữ được với hình ảnh của Bác Hồ và quyết tâm “Phấn đấu hy sinh giành thắng lợi/Gian nan rèn luyện bước đường đời” được ghi cẩn thận ở trang sau ảnh Bác. Sau 2 tháng ròng rã đi bộ xẻ dọc Trường Sơn, qua Lào rồi trở lại Quảng Nam, ông Hải được phân công về dạy ở Trường Trung cấp Sư phạm Khu 5. Vừa dạy được 1 khóa thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Hải được Khu ủy Khu 5 phân công về tăng cường cho tiếp quản thị xã Nha Trang.


Sau một tháng làm công tác tiếp quản Nha Trang, tháng 5-1975, ông Hải được phân công về tiếp quản ngành giáo dục tại quê mẹ Diên Khánh. Từ đó đến khi nghỉ hưu, ông Hải đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như: Trưởng phòng Giáo dục huyện Diên Khánh, Phó Trưởng ty Giáo dục Phú Khánh, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Ông Hải chia sẻ, nhớ lời dạy của Bác, cả đời ông chỉ tâm niệm phải làm được gì cho dân, ở bất cứ vị trí nào cũng hết mình lao vào công việc.


Nay tuổi đã cao, niềm vui lớn nhất của ông Hải là thấy con cháu trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Ông luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, tấm lòng thành kính dành cho Bác Hồ qua những lời dạy của Người, qua những câu chuyện về Bác và những lần gia đình ra Thủ đô viếng Lăng Bác; dạy các con cháu biết “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”…


N.D