Ngày 9-7, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua việc quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.
Di chuyển cơ sở nguy hiểm về cháy nổ ra khỏi khu dân cư
Ngày 9-7, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua việc quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.
- Xin ông cho biết những cơ sở nào không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001 có hiệu lực?
- Các cơ sở không đảm bảo là những cơ sở không đáp ứng một trong những yêu cầu quy định tại điều 20 Luật PCCC số 27 ban hành ngày 29-6-2001 và Điều 7 Nghị định 79 của Chính phủ ban hành ngày 31-7-2014. Thứ hai là các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC tới các công trình xung quanh theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hiện hành.
- Đối với các cơ sở không đáp ứng một trong những yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật PCCC năm 2001 thì xử lý như thế nào, thưa ông?
- Các cơ sở phải bố trí lại mặt bằng, công năng sử dụng của các tầng, khu vực trong cơ sở theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Cụ thể, về giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo ít nhất một lối vào cho xe chữa cháy tiếp cận công trình. Lối vào phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao thông thủy, tải trọng, lối quay đầu xe… theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Về khoảng cách an toàn phải đảm bảo quy định, trong đó có khoảng cách đối với nhà ở, công trình công cộng và nhà phụ trợ của các cơ sở công nghiệp; khoảng cách đối với nhà và công trình công nghiệp; khoảng cách từ nhà đến nhà và công trình xung quanh...
Về bậc chịu lửa, nhà và công trình phải đảm bảo chiều cao cho phép và diện tích khoang cháy. Trong trường hợp bậc chịu lửa không đảm bảo thì cho phép lắp các dàn treo, tường ngăn sử dụng vật liệu ngăn cháy phù hợp để nâng cao giới hạn chịu lửa. Đối với các kết cấu của nhà, công trình như: cột, dầm, sàn, hệ kết cấu đỡ, mái, tường… có giới hạn chịu lửa thấp hơn quy định thì có thể sử dụng các giải pháp bảo vệ kết cấu như: sơn chống cháy, bọc bằng gạch, trát bằng thạch cao hoặc xi măng để tăng giới hạn chịu lửa.
- Đối với các kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt… nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC thì xử lý như thế nào, thưa ông?
- Người đứng đầu cơ sở phải xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định về PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt. UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ các cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy nổ trong trong việc di chuyển ra khỏi khu dân cư, nơi đông người không đảm bảo an toàn. Trong thời gian chờ di chuyển, chủ cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa sản phẩm dầu mỏ, khí đốt theo hướng dẫn của cơ quan PCCC có thẩm quyền; đồng thời trang bị thêm phương tiện, hệ thống kỹ thuật liên quan PCCC theo tiêu chuẩn. Từ ngày 1-1-2024, các cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ… chưa thực hiện di chuyển, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN KỲ (Thực hiện)
Đầu tư kè chống ngập ở TP. Cam Ranh và Nha Trang
HĐND tỉnh thông qua báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng chống ngập lụt, xói lở Khu dân cư Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) - Kè bờ hữu sông Cái và kè sông Cái qua các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung (TP. Nha Trang). Trao đổi với Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:
- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm ổn định đời sống dân cư vùng thiên tai, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản của dân cư sống tập trung khu vực dự án, bảo vệ đất sản xuất của nhân dân, góp phần ổn định cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vùng hưởng lợi trực tiếp của dự án là các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) và xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).
Ngoài ra, dự án còn có vai trò thoát lũ, giảm thiểu ngập lụt cho 750 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu, ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn của nước biển vào đất sản xuất gần 900ha; khắc phục tình trạng xói lở bờ sông gây ảnh hưởng hơn 400 căn nhà với hơn 1.600 nhân khẩu; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Dự án cũng nhằm xây dựng đồng bộ theo quy hoạch phát triển chung, kết nối vào các công trình kè hiện hữu, góp phần hoàn thiện dọc sông Cái Nha Trang.
- Ông có thể cho biết chi tiết hơn về nội dung và quy mô đầu tư của dự án?
- Dự án do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tại TP. Nha Trang sẽ xây dựng kè theo hình thức mái nghiêng kết hợp với tường đứng, cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực. Phạm vi xây dựng dọc bờ sông Cái có chiều dài 2.060m qua các xã: Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung. Trong dự án có xây dựng hạng mục giao thông dọc kè có bề rộng 6,5m và 16m. Tại TP. Cam Ranh, dự án sẽ thanh thải lòng sông, gia cố mái chống sạt lở kết hợp đường giao thông nội vùng dài 1.635m; thanh thải lòng sông dài 1.465m, xây dựng mới kênh tiêu dài 400m. Tổng mức đầu tư dự án 311,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng, ngân sách địa phương 111,8 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021.
- Xin cảm ơn ông!
NHẬT THANH (Thực hiện)
Tăng mức hỗ trợ để thu hút bác sĩ, cán bộ y tế về công tác tại các cơ sở y tế của tỉnh
HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17 ngày 11-12-2010 của HĐND tỉnh về chế độ ưu đãi đối với các ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, thể dục và thể thao; Nghị quyết số 03 ngày 8-7-2015 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Mục tiêu của nghị quyết trên là tăng mức hỗ trợ để thu hút bác sĩ (BS), cán bộ y tế về công tác tại các cơ sở y tế của tỉnh; điều chỉnh sự mất cân đối trong phân bổ nhân lực y tế giữa thành thị và nông thôn; tăng cường nhân lực khám, chữa bệnh cho tuyến huyện, xã, khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo… và góp phần đảm bảo công bằng hơn trong cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Liên quan đến nghị quyết này, ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Kể từ năm 2009, Sở Y tế đã chủ động xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành Y tế, giai đoạn 2009 - 2012. Đến năm 2013, Sở Y tế tiếp tục xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành giai đoạn 2013 - 2015. Thông qua chủ trương các đề án và kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực này, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh đào tạo 289 BS chính quy theo địa chỉ sử dụng và liên thông, 142 cử nhân kỹ thuật y học và các lĩnh vực khác. Hiện nay, 36 BS chính quy và 37 BS đào tạo liên thông đã ra trường công tác, dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 145 BS ra trường. Đặc biệt, ngành đã cử đào tạo 283 cán bộ có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa I và 40 BS chuyên khoa II, 5 tiến sĩ; trong đó có 3 thạc sĩ, 3 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
Song song với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế về làm việc cho tỉnh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực y tế nói chung và trong hệ thống khám, chữa bệnh của tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như: số lượng BS có trình độ chuyên môn cao còn ít, chất lượng không đồng đều, phân bố BS chênh lệch giữa các địa phương, miền núi, các tuyến, đặc biệt là các chuyên ngành: lao, ung bướu, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y… Thậm chí, ngay trong từng bệnh viện, từng đơn vị còn có những bất cập trong việc tuyển dụng làm việc tại các khoa, phòng… vì hiện nay các BS mới ra trường luôn có khuynh hướng chọn môi trường làm việc tốt, có khả năng vận dụng và sử dụng các công nghệ y học hiện đại, các chuyên ngành có khả năng thu nhập cao.
Do đó, để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được trong công tác y tế và góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị, phòng chống dịch bệnh, cùng với mục tiêu đạt được 8 BS/vạn dân vào năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, việc điều chỉnh bổ sung các chế độ đãi ngộ, chính sách thu hút BS, cán bộ về làm việc tại cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế là một trong những giải pháp hết sức quan trọng và cần thiết.
- Việc hỗ trợ theo nghị quyết mới như thế nào, thưa ông?
- Theo nghị quyết vừa được thông qua, việc hỗ trợ một lần cho BS đào tạo chính quy dài hạn (hệ 6 năm) có trình độ đại học trở lên có nguyện vọng về công tác tại cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế được quy định như sau:
Đối với BS nhận công tác tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có cả phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện chuyên khoa Da liễu (bộ phận làm công tác phong), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Cấp cứu 115, các khoa thuộc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh (Cận lâm sàng, Ung bướu, Giải phẫu bệnh, Ngoại thần kinh, Ngoại lồng ngực, Hồi sức cấp cứu - Tích cực và Chống độc, Cấp cứu ban đầu), các đơn vị thuộc hệ dự phòng được nhận hỗ trợ như sau: BS được hỗ trợ 30 triệu đồng (loại giỏi 40 triệu đồng); BS chuyên khoa I, thạc sĩ: 40 triệu đồng; BS nội trú: 50 triệu đồng; BS chuyên khoa II, tiến sĩ: 60 triệu đồng.
Đối với các BS nhận công tác tại các đơn vị còn lại và các khoa khác của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh được hỗ trợ như sau: BS được hỗ trợ 15 triệu đồng (loại giỏi 30 triệu đồng); BS chuyên khoa I, thạc sĩ: 30 triệu đồng; BS nội trú: 40 triệu đồng; BS chuyên khoa II, tiến sĩ: 45 triệu đồng.
Đối với các BS nhận công tác ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi, hải đảo thuộc các huyện, thị xã còn lại: BS nhận 40 triệu đồng (loại giỏi 50 triệu đồng); BS chuyên khoa I, thạc sĩ: 50 triệu đồng; BS nội trú: 60 triệu đồng; BS chuyên khoa II, tiến sĩ: 70 triệu đồng.
- Xin cảm ơn ông!
X.T (Thực hiện)