Khánh Hòa hiện nay vẫn còn nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh. Vì thế, việc thành lập Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh sẽ góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân cũng như giúp đỡ những nạn nhân chẳng may gặp nạn do bom mìn…
Khánh Hòa hiện nay vẫn còn nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh. Vì thế, việc thành lập Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh sẽ góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân cũng như giúp đỡ những nạn nhân chẳng may gặp nạn do bom mìn…
Những tai nạn thương tâm
Trong ký ức của mình, anh Nguyễn Thương Hận (35 tuổi, trú thôn Quảng Cư, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) không bao giờ quên được biến cố xảy ra vào ngày 8-8-2002, khiến anh bị mất đi cánh tay trái và con mắt trái. “Hôm đó, tôi đi biển, đến chiều vào bờ. Tại khu vực bãi dương thuộc Khu du lịch Dốc Lết, tôi và mấy người bạn phát hiện quả đạn loại 82mm nên cùng tháo đầu đạn ra, nhưng không may quả đạn phát nổ khiến tôi bị thương nặng, mấy người bạn bị nhẹ hơn. Chỉ một phút thiếu suy nghĩ và sự tò mò nông nổi, tôi đã phải gánh chịu thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và khả năng lao động của bản thân”, anh Hận kể.
Với ông Lê Sang (64 tuổi, trú tổ dân phố Tân Kiều, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa), hậu quả do vụ tai nạn bom mìn xảy ra vào đầu năm 1994 còn nặng nề hơn nhiều. Hôm đó, ông đi làm rẫy, trong lúc cuốc đất thì phát hiện một quả đạn lớn. Ông cố dùng cuốc đào quả đạn lên thì nó phát nổ khiến ông vĩnh viễn mất đi cả 2 chân. “Hôm đó, nếu tôi không có ý lấy quả đạn lên mà báo với cơ quan chức năng xử lý thì đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tôi hy vọng, nếu ai đó phát hiện bom mìn thì hãy báo ngay với cơ quan chức năng, đừng tự ý thu lượm mà gánh hậu quả đau lòng như tôi”, ông Sang chia sẻ... Ngoài ra, tính từ năm 2011 đến 2017, trên địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn xảy ra 3 vụ tai nạn do bom mìn sau chiến tranh, làm 7 người thiệt mạng.
Tuyên truyền kỹ năng phòng tránh bom mìn
Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Khánh Hòa là một trong những địa phương có mức độ ô nhiễm bom mìn sót lại sau chiến tranh tương đối lớn. Số liệu thống kê cho thấy, Khánh Hòa hiện có 2/3 diện tích còn bom mìn sau chiến tranh. Thời gian qua, BCHQS tỉnh đã xử lý một lượng tương đối lớn bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tuyên truyền phòng tránh mối nguy hại này. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, hoặc học sinh, những người tìm kiếm mua bán phế liệu, nông dân... thường gặp phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Khánh Hòa thành lập từ ngày 1-10-2018. Chi hội đã rất tích cực phối hợp với BCHQS tỉnh và các ban, ngành liên quan triển khai các đợt tuyên truyền lưu động ở các địa phương trong tỉnh, nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân. Bên cạnh đó, chi hội cũng tích cực phối hợp trong công tác khảo sát, thống kê các nạn nhân bị tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh để kiến nghị Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ hòa bình Mỹ Lai hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bị tai nạn bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 47 nạn nhân được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, với mức 12 triệu đồng/trường hợp.
Ông Huỳnh Kim Lê - Chi hội trưởng Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh cho biết: “Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 115 nạn nhân đã bị tai nạn bom mìn phải mang thương tật. Vì thế, cùng với việc vận động kết nạp thêm hội viên để củng cố tổ chức chi hội vững mạnh, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng tránh tai nạn bom mìn trong nhân dân; đồng thời tích cực làm công tác vận động hỗ trợ kinh phí để tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bị tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp họ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
VIỆT BẮC