Chiều 26-11, UBND TP. Nha Trang họp chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do cơn bão số 8 và số 9 gây ra.
Chiều 26-11, UBND TP. Nha Trang họp chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do cơn bão số 8 và số 9 gây ra.
Nhiều khu vực vẫn ngập trong nước
Ngày 26-11, tuy mưa nhỏ, song do các hồ xả lũ nên một số khu vực tại TP. Nha Trang vẫn còn ngập sâu. Người dân ở các khu vực này phải tiếp tục chống chọi với nước lũ.
Trong số các địa phương bị ngập nặng, xã Vĩnh Thái bị ngập nhiều nhất. Đến chiều 26-11, hàng trăm nhà dân ở đây vẫn còn ngập sâu trong nước. Tại thôn Vĩnh Xuân, khu dân cư khoảng 200 hộ ngập sâu gần cả mét. Nhiều hộ phải lội nước dìu nhau, thoát ra đường Phong Châu để tìm đến nhà người dân ở nhờ.
Vừa cõng con gái thoát khỏi đoạn đường nước chảy xiết, ông Bùi Minh Khôi cho biết, khoảng 1 giờ sáng, nước bắt đầu dâng lên rất nhanh, đứng trong nhà mà nước ngập đến bụng. Đường trước nhà cũng ngập nặng không thể đi được. Đến chiều, tuy nước đã rút hơn nhưng nhiều hộ vẫn phải tá túc nơi khác.
Ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì tổng hợp báo cáo đánh giá mức độ thiệt hại do hậu quả cơn bão số 8 và số 9. Phòng Quản lý đô thị khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và điều tra toàn diện ở khu dân cư Thành Phát, Thành Đạt và đường vòng núi Chụt (phường Vĩnh Trường) để tham mưu UBND thành phố lập phương án di dời các hộ ở những khu vực này, báo cáo UBND tỉnh. Đối với những trường hợp bị sập nhà trong khu quy hoạch, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Kinh tế nghiên cứu tham mưu UBND thành phố nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ thuê nhà. Phòng Quản lý đô thị phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát các dự án trên khu vực đồi núi để báo cáo. Phòng Y tế tuyên truyền và triển khai các biện pháp khử trùng, xử lý các giếng nước, vệ sinh môi trường những khu vực ngập úng… |
Tại Khu tái định cư Đất Lành, đến chiều 26-11, nước vẫn tuôn từ trên núi xuống. Hệ thống giao thông trong khu tái định cư bị đất đỏ và đá phủ kín. Riêng con đường chính bị ngập nặng nhất, khiến xe máy không thể qua lại. Người dân phải căng dây và cắm biển cảnh báo để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ông Hoàng Thành (thôn Đất Lành) cho biết, từ cơn bão số 8, khu vực này đã bị thiệt hại nặng do nước cùng đất, đá từ trên núi chảy xuống. Mấy chục năm sống ở đây, ông chưa từng chứng kiến cảnh tượng nước chảy từ núi xuống như thác đổ. Nhiều hộ bị nước, đất, đá tràn vào nhà khiến đồ đạc hư hỏng.
Không chỉ khổ vì đất đá đầy đường, nước ngập vào nhà, mấy ngày liên tục nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái phải sống trong cảnh bị cúp điện, cúp nước. Trong khi đó, đường giao thông để vào trung tâm thành phố lại bị chia cắt. Ông Nguyễn Thanh Hy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, cả 5 thôn của xã đều có khu vực bị ngập. Trong số đó, thôn Đất Lành bị ngập nặng nhất. Mấy ngày nay, lực lượng của xã phải thường xuyên túc trực tại khu vực này. Các hộ ở khu vực xung yếu được chính quyền địa phương đưa về các điểm tập trung. Đến chiều 26-11, do thời tiết đã ổn định, không còn nguy hiểm nên các hộ đã về nhà để dọn dẹp nhà cửa.
Bên cạnh Vĩnh Thái, xã Vĩnh Trung cũng là địa phương có nhiều điểm ngập nước. Đến chiều 26-11, các thôn: Đồng Nhơn, Võ Cạnh, nước vẫn chưa rút ra khỏi nhà. Theo lãnh đạo UBND xã, toàn xã có đến 80% nhà dân bị ngập. Các hộ ở đây đa phần nằm gần các khu đô thị mới nên việc thoát nước chậm hơn trước đây. Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung cho hay, Vĩnh Trung bị ngập lâu không phải do mưa mà chủ yếu do các hồ xả lũ. Ngày 26-11, nước dâng vào nhà người dân khoảng nửa mét. Đến 16 giờ, xã vẫn phải cử lực lượng phòng, chống lụt bão túc trực ở một số điểm đập tràn và đoạn đường ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ở xã Vĩnh Phương, đến chiều 26-11, tất cả các điểm ngập nước đều đã rút. Người dân ở những khu vực xung yếu đã trở về nhà. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, lo lắng nhất hiện nay là đoạn bờ kè sông Cái bị sạt vào đường bê tông. Địa phương đang cho lập chốt chặn cấm người dân qua lại, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người cố tình lưu thông qua khu vực này.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, do khu vực Đất Lành ngập úng, sạt lở nghiêm trọng nên đến sáng 26-11, lực lượng chức năng vẫn chưa thể đưa máy móc vào để khắc phục; dự kiến, phải 1 - 2 ngày nữa mới vào được khu vực này. Phòng đã phối hợp khắc phục sạt lở khu vực đường Phạm Văn Đồng, Đại lộ Nguyễn Tất Thành; đường vòng núi Chụt đã cấm xe không cho lưu thông; riêng tình trạng ngập úng cục bộ khu vực hẻm 86 đường tạm của thành phố chưa thể xử lý nên các xe phải lưu thông trên đường Trần Phú.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, đến nay, có 115 nhà sập hoàn toàn; trong đó, 15 nhà ở khu ổn định, 100 nhà trong khu quy hoạch. Trong số này, 81 nhà ở 2 thôn Thành Phát và Thành Đạt, xã Phước Đồng (toàn xã 89 nhà). Ngoài ra, có 52 nhà hư hỏng nặng và rất nặng (30 nhà ở khu ổn định, 22 nhà ở khu vực quy hoạch).
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đối với nhà sập hoàn toàn và nhà hư hỏng nặng trong khu ổn định, thành phố sẽ hỗ trợ ngay theo quy định hiện hành; còn ở khu vực xóm Núi thôn Thành Phát và xóm Mũi thôn Thành Đạt sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ để ổn định cuộc sống người dân theo chỉ đạo của tỉnh. Về công tác an sinh xã hội, thành phố sẽ hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn bị thiệt hại do bão; mức hỗ trợ: 15kg gạo/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng. Sau mưa lũ, nhiều học sinh không còn quần áo, sách vở, giày dép để đến trường nên thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương cùng Mặt trận thành phố thống kê để chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ vì người nghèo thành phố.
ĐÌNH LÂM - VĂN KỲ - NAM DU