08:11, 27/11/2018

Cam Ranh: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Chiều 27-11, UBND TP. Cam Ranh tổ chức họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 9. 
 

Chiều 27-11, UBND TP. Cam Ranh tổ chức họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 9. 
 
Không để Bình Lập chia cắt
Tại cuộc họp, đại diện của các ngành, chính quyền địa phương cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến đường độc đạo nối từ thôn bán đảo Bình Lập, xã Cam Lập ra bên ngoài bị cuốn mất 50m. Hiện tại hơn 300 hộ dân ở thôn này bị chia cắt hoàn toàn. Việc chia cắt đã khiến không chỉ người dân nơi đây bị cô lập hoàn toàn mà còn hàng chục học sinh có nguy cơ phải nghỉ học do giáo viên không thể tiếp cận điểm trường. 

 

Cán bộ xã Cam Thịnh Đông dọn dẹp bùn đất để lại sau trận mưa lũ tại bộ phận một cửa.
Cán bộ xã Cam Thịnh Đông dọn dẹp bùn đất để lại sau trận mưa lũ tại bộ phận một cửa.
 
Theo đại diện của Đồn biên phòng Bình Ba, ngoài ra tuyến đường đi vào trong thôn Bình Lập cũng bị sạt lở nhiều điểm. “Để khắc phục con đường này thì thời gian sửa chữa phải mất nhiều tháng, người dân giờ muốn ra khỏi thôn phải đi nhờ phương tiện ghe nhỏ, ghe mồi tôm của các hộ nuôi thủy sản. Tình trạng mưa lũ vẫn có thể diễn ra trong năm nay, trong khi trẻ em người già đi lại bằng những phương tiện này sẽ rất nguy hiểm”, đại diện Đồn biên phòng Bình Ba nói. Đó là chưa kể đến trường hợp người dân bị ốm đau, phải đưa đi chữa trị nếu không kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

 

Nhiều giấy tờ, sổ sách lưu trữ ở xã Cam Thịnh Đông bị hư hỏng do mưa lũ tràn vào.
Nhiều giấy tờ, sổ sách lưu trữ ở xã Cam Thịnh Đông bị hư hỏng do mưa lũ tràn vào.
 
Để làm lại đoạn cầu và đường bị nước lũ cuốn trôi, đại diện TP. Cam Ranh cho biết, kinh phí lên đến khoảng 15-20 tỷ đồng và phải mất nhiều tháng, do vậy cần nghiên cứu phương án không để người dân nơi đây bị cô lập, chia cắt.
Phương án được đặt ra là làm đường tạm nhưng trước mắt điều động đò đang hoạt động tuyến đảo Bình Ba - cảng Cam Ranh sang phục vụ người dân ở thôn Bình Lập. “Ngay trong ngày 28-11, các đơn vị liên quan cần lập tuyến đò để đưa người dân ở Bình Lập sang đất liền, thành phố giao Đồn biên phòng Bình Ba quản lý, đảm bảo an toàn cho bà con đi lại”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết. 
 
Lãnh đạo TP. Cam Ranh cũng yêu cầu Phòng giáo dục và đào tạo bố trí giáo viên sang Bình Lập dạy học tại điểm trường tiểu học cho hợp lý, không để học sinh phải nghỉ học; yêu cầu các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương không để cho người dân Bình Lập thiếu nhu yếu phẩm.
 
Kiểm kê thiệt hại rõ ràng, niêm yết công khai
 
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, qua đợt mưa lũ lần này mới thấy những chuyện lâu nay không xảy ra thì lại diễn ra, những khu vực trước đây ai cũng nghĩ không thể ngập lụt thì nay bị ngập lụt. Chẳng hạn như trụ sở xã Cam Thịnh Đông còn bị ngập, do vậy, các xã, phường cần nhanh chóng bổ sung phưng án phòng, chống bão lụt trong thời gian sớm nhất.
 
Ngoài việc yêu cầu các địa phương chủ động, huy động các lực lượng khắc phục nhà cửa cho người dân bị nước lũ làm sập, thành phố cũng yêu cầu các xã, phường cũng cần khẩn trương xác lập hồ sơ người dân bị thiệt để đề nghị hỗ trợ.  “Các địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, phải thông báo cho người dân ai có thiệt hại cần đến kê khai. Từ đó địa phương lập 2-3 tổ đi kiểm tra, kiểm kê thiệt hại, tiếp đến phải niêm yết công khai. Công tác này cần lưu ý đối tượng được hỗ trợ theo quy định của nhà nước và không được hỗ trợ theo quy định phải bóc tách rõ, ví dụ nhà sập cần xác định tỷ lệ sập. Nếu không làm chặt chẽ sẽ có hệ lụy, khiếu kiện về sau”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ.
 
Xung quanh việc UBND xã Cam Thịnh Đông không chủ động di chuyển thiết bị văn phòng, hồ sơ bị nước lũ tràn về gây ngập, hư hỏng, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh Nguyễn Hữu Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND xã này giải trình, sắp tới sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. “Việc để cho nước lũ tràn vào làm hư hỏng thiết bị văn phòng, hồ sơ của xã này là do chủ quan, thiếu chỉ đạo. Đây cũng là bài học cho tất cả các xã, phường khác và từ vụ việc này không cho phép xảy ra lần nữa tại các địa phương”, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết. 
 
Cũng tại cuộc họp, đại diện các ngành cũng nêu ý kiến, đợt mưa lũ vừa qua nhiều đoạn trên Quốc lộ 1 bị ngập sâu do dải phân cách bằng bê tông đã vô tình biến thành đê chắn nước. Khi quốc lộ bị ngập sâu, Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 Cam Ranh mới cho phương tiện di dời một số đoạn giải phân cách. Do vậy, để khắc phục tình trạng này, đại diện các ngành liên quan kiến nghị Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 Cam Ranh nghiên cứu phương án thay thế một số đoạn giải phân cách bằng bê tông bằng việc lắp đặt bằng hàng rào cố định. 
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nhiều khả năng sẽ còn bão trong năm nay, thành phố rất có thể phải tiếp tục hứng chịu với thiên tai khủng khiếp hơn, do vậy thông qua đợt mưa lũ vừa qua, các địa phương, các ngành cần rút kinh nghiệm. “Đây mới là mới có mưa còn nếu có bão nữa thì ko biết sẽ ra sao. Đề nghị từng con người, từng hộ, từng ngành, từng địa phương cần chủ động phòng ngừa, đặc biệt là không được chủ quan”, ông Nguyễn Hữu Dũng nói. 
 
Thành Long